Vụ đào phá núi Mò O: Vì sao chưa đối thoại, công khai kết quả xử lý?

Liên quan đến vụ đào phá núi Mò O (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), người dân thôn Chánh Lý (xã Cát Tường) tiếp tục lên tiếng yêu cầu chính quyền địa phương sớm tổ chức họp dân để công khai kết quả xử lý, khắc phục hậu quả…

Dân mong ngóng chính quyền đối thoại!

Chiều 3-6, liên hệ đến PV Báo SGGP, ông Phạm Ngọc Bình (người dân thôn Chánh Lý) đặt câu hỏi: “Tại sao đến bây giờ, chính quyền huyện Phù Cát và xã Cát Tường vẫn chưa tổ chức họp dân để công khai kết quả xử lý vụ việc cho dân biết?”

Theo ông Bình, qua thông tin từ báo chí, người dân thôn Chánh Lý được biết, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát từng phát ngôn rằng, kết quả xử lý vụ việc ở núi Mò O sẽ hoàn thành trước ngày 20-5-2019. Tuy nhiên, đến nay đã qua tháng 6 rồi nhưng chính quyền vẫn chưa có động thái nào, để ổn định lòng dân.

Trước đó, người dân thôn Chánh Lý lên núi Mò O đấu tranh phản đối đào phá núi.
Sườn núi bị "xẻ thịt" biến dạng, nguy cơ sạt lở rất cao.

Ông Bình phản ánh, vào mùa mưa nước trên núi Mò O đổ xuống rất lớn. Bây giờ, núi này đã bị DN đào phá tan hoang ở nhiều vị trí, sườn núi bị biến dạng nghiêm trọng. Nếu mùa mưa lũ đến, sẽ gây ra sạt lở đất, đá làm ảnh hưởng đến nhà dân, ruộng đồng, mồ mả…

“Nếu bị sạt lở, thì nhiều mồ mả và khoảng 5 ha đất ruộng ở cánh đồng Đình Ngang (thôn Chánh Lý) nằm sát chân núi Mò O sẽ bị bồi lấp. Chưa kể, ở vị trí khai thác đất của Công ty Trường Quang (xã Cát Tường) hiện có trên 10 nhà dân đang ở, nhiều đất đá bị moi bật gốc trên núi, mưa xuống sẽ đổ sụp vào nhà dân ngay…”, ông Bình lo lắng.

Ông Phạm Tụng (71 tuổi, một Đảng viên chi bộ thôn Chánh Lý), trình bày thêm: “Người dân thôn Chánh Lý bây giờ rất mong mỏi chính quyền sớm tổ chức họp dân, công khai kết quả xử lý và khắc phục núi Mò O như thế nào, để dân bớt lo lắng! Bây giờ chúng tôi yêu cầu, phải hoàn thổ, hàn lại núi. Ngoài ra, cần có giải pháp bồi thường cho dân tại cánh đồng Đình Ngang đề phòng sau này có sạt lở đất trên núi, gây bồi lấp hết ruộng đồng…”

Đang củng cố hồ sơ…

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường cho hay: “Hiện, địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Phòng TN-MT huyện Phù Cát đo đạc lại diện tích, khối lượng đất mà DN khai thác ở núi Mò O để đưa ra giải pháp cụ thể".

Theo ông Hoàng, tại núi Mò O, hiện UBND huyện đã xử lý Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm, thị xã An Nhơn, Bình Định), chỉ còn lại 2 DN là Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98) và Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường) còn Công ty Hiếu Ngọc (huyện Tây Sơn, Bình Định) trước đó đã khắc phục cho người dân rồi.

“Còn việc các cá nhân tự ý bán đất trồng rừng ở núi Mò O cũng cần phải rà soát lại hồ sơ cụ thể để làm rõ xem mục đích bán đất rừng để làm gì, khai thác đất hay trồng rừng. Nếu bên nào vi phạm, chúng tôi đều thu hồi lại giấy phép sử dụng đất...”, ông Hoàng nói.

Người dân thôn Chánh Lý lập rào quyết tâm chặn doanh nghiệp phá núi Mò O.
Người dân cho rằng nhiều mồ mả của người thân trên núi Mò O bị ảnh hưởng

Cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Liên quan đến sự việc Báo SGGP phản ánh tại núi Mò O, địa phương đang đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại toàn diện vụ việc, để xử lý nghiêm đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể.

Ông Kiên nhấn mạnh: "Đối với những cán bộ, lãnh đạo thôn xã và người dân tự ý bán, chuyển nhượng đất trồng rừng ở núi Mò O, UBND huyện Phù Cát đã yêu cầu công an và các đơn vị liên quan lập, củng cố tất cả hồ sơ của cá nhân. Theo từng mức độ vi phạm để xử lý cụ thể". 

Cánh đồng Đình Ngang (thôn Chánh Lý) nguy cơ bị sa bồi, hoang hóa 

Cũng theo ông Kiên, vụ việc liên quan đến đất đai tại địa phương này, trước nay vẫn thuộc trách nhiệm quản lý, giải quyết của ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát.

Tuy nhiên, nhiều lần PV Báo SGGP liên hệ ông Hương để làm việc nhưng không được khi ông này liên tục báo bận(!?)

Tin cùng chuyên mục