Vụ cựu cán bộ Cục Thuế Bình Định nhận hối lộ: Tòa phúc thẩm triệu tập bổ sung 10 điều tra viên

Dự kiến, ngày mai 26-11-2019 này, Tòa án Cấp cao Đà Nẵng quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần thứ 4 tại Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định, sau 3 lần tạm hoãn vào các ngày 24-10-2018, 4-4-2019, 19-9-2019.

Liên quan đến vụ án cựu Trưởng phòng Thanh tra thuế - Cục Thuế tỉnh Bình Định Hồ Minh Khiêm (54 tuổi, ngụ tại TP Quy Nhơn) nhận hối lộ, đến nay đã trải qua 3 phiên xét xử sơ thẩm và 3 phiên phúc thẩm, tuy nhiên theo nhận định của các luật sư theo dõi các phiên tòa, hiện vẫn chưa đủ chứng cứ chặt chẽ để buộc tội bị cáo nhận hối lộ nên tòa án tiếp tục mời 10 điều tra viên và 1 kiểm sát viên đến dự tòa để phục vụ công tác xét xử...

Tại tòa phúc thẩm vào ngày 26-11 tới đây, Tòa án Cấp cao Đà Nẵng tiếp tục tiệu tập 13 vị đại diện có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà trước đó đã thụ lý, giải quyết vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan.

Bị cáo Hồ Minh Khiêm vẫn tiếp tục chối tội, không nhận tội tại các phiên tòa

Trong đó, có 10 điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định, 2 người thuộc Công an phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn) và một Kiểm sát viên, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Định...

Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm 19-9-2019, Tòa án Cấp cao Đà Nẵng cũng đã có mời 13 vị đại diện trên đến phiên tòa. Nhưng khi phiên tòa diễn ra, chỉ có mỗi vị Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Bình Định đến dự. Cuối cùng, phiên tòa phúc thẩm này tiếp tục bị hoãn.

Như Báo SGGP đã thông tin, ngày 3-8-2018, tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 3, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bị cáo Hồ Minh Khiêm mức án 8 năm tù giam, về tội “nhận hối lộ”, áp dụng theo khoản 2, Điều 354 và khoản 1, Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015... Tòa sơ thẩm buộc bị cáo Khiêm trả lại cho ông Đỗ Nguyễn Duy Minh (đại diện Công ty CP xây dựng An Nghĩa, trụ sở tại 107, đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Quy Nhơn) – người bị hại, 130 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Khiêm đã kháng cáo và kêu oan. Tại các phiên tòa, cựu Trưởng phòng Thanh tra thuế Bình Định đều không chịu nhận tội và cho rằng, mình bị doanh nghiệp “gài bẫy”. Theo bị cáo Khiêm, các chứng cứ buộc tội bị cáo tại các phiên tòa chưa thuyết phục, chưa đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo.

Cụ thể, cáo trạng nêu, các ngày 25-9-2017, 28-9-2017, bị cáo liên tục gọi điện thoại thúc giục ông Minh đưa tiền mà không đưa ra được căn cứ chứng minh cụ thể (không có tin nhắn, không có gi âm); lúc nhận 2 “gói quà” tại quán cà phê, bị cáo không biết bên trong có tiền…

Luật sư (LS) Võ Thị Tiết, Đoàn Luật sư Bình Định – luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Hồ Minh Khiêm nhận hối lộ, cho biết: Sở dĩ vụ án kéo dài, bị cáo vẫn khăng khăng không nhận tội là do các bằng chứng, chứng cứ buộc tội, bắt quả tang của cơ quan điều tra không chặt chẽ; chưa đủ sức để buộc tội bị cáo Khiêm có tội.

Ngày mai (26-11) tại TAND tỉnh Bình Định, Tòa Cấp cao Đà Nẵng tiếp tục triệu tập 12 điều tra viên, 1 kiểm sát viên tham dự phiên xét xử phúc thẩm vụ cựu cán bộ Cục Thuế Bình Định nhận hối lộ. 

LS Tiết cho biết: “Trong hồ sơ vụ án, tôi thấy hoàn toàn không có biên bản nào lập thể hiện, tại hiện trường nơi bắt quả tang ông Khiêm Cơ quan Điều tra đã biên bản lập, thu giữ số tiền 130 triệu. Cụ thể, không có biên bản nào thể hiện, việc niêm phong 2 gói màu đen, màu nâu; không có biên bản thể hiện sự kiểm đếm, kiểm định tiền thật hay giả. Ngay đến túi xách ông Khiêm khi bị bắt quả tang, cơ quan điều tra cũng không lập biên bản niêm phong…”

Cũng theo LS Tiết, ở đây, cần phải có sự đối chất, làm rõ tại phiên tòa của các điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm ngày 19-9-2019 do vắng mặt 12 điều tra viên nên làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án, HĐXX và những người tham gia tố tụng và cả nội dung vụ án. Ngoài ra, việc vắng mặc các điều tra viên cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo…

“Theo Điều 296 Bộ luật Hình sự mới nhất năm 2015, quy định về sự có mặt của điều tra viên và những người khác. Cụ thể, trong quá trình xét xử, khi xét xử thấy cần thiết, hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Như vậy, Tòa án Cấp cao Đà Nẵng triệu tập là đúng quy định, thẩm quyền...”, LS Tiết viện dẫn luật cụ thể.

Ngày 25-11, trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Định cho biết, luật đã có quy định rõ ràng, trong điều kiện cần thiết, Tòa án vẫn có quyền triệu tập các điều tra viên, kiểm sát viên để cung cấp thêm các chứng cứ để làm rõ tội của bị cáo.

“Tại phiên tòa phúc thẩm ngày mai (26-11), một số điều tra viên và kiểm sát viễn sẽ đến tham dự phiên tòa theo giấy mời của Tòa án, để cung cấp thêm các chứng cứ làm rõ tội danh của ông Khiêm.”, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Định cho biết.

Theo nội dung vụ án, trong tháng 9-2017, ông Hồ Minh Khiêm, với vai trò là Trường phòng Thanh tra thuế được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn thanh tra, thi hành Quyết định số 1324/QĐ-CT của Cục Thuế Bình Định, về việc thanh tra thuế tại Công ty CP xây dựng An Nghĩa (gọi tắt là Công ty An Nghĩa) thời gian 30 ngày (kể từ ngày 1-9-2017 đến ngày 30-9-2017).

Qua đó, đoàn thanh tra thuế do Khiêm làm trưởng đoàn, đã phát hiện ra nhiều lỗi sai phạm tại tại Công ty An Nghĩa. Sau đó, Khiêm đã đến liệt kê các lỗi vi phạm của doanh nghiệp, rồi đặt điều kiện nếu Công ty An Nghĩa chi cho Khiêm 120 triệu đến 130 triệu và cho ông Thành (tức Nguyễn Công Thành – cựu Cục trưởng Cục Thuế Bình Định) 20 triệu đến 30 triệu thì sẽ bỏ qua các lỗi sai phạm lớn mà chỉ xử lý các lỗi nhẹ.

Đến 14 giờ, ngày 1-10-2017, tại quán cà phê H.Q. (TP Quy Nhơn), ông Khiêm đã nhận của ông Đỗ Nguyễn Duy Minh (đại diện Công ty An Nghĩa) 2 gói “quà” bọc kín và bị tổ công tác phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang. Qua kiểm tra 2 “gói quà”, công an phát hiện bên trong chứa tổng cộng 130 triệu đồng tiền Việt Nam nên tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang.

Tin cùng chuyên mục