Vụ chiếm đoạt tiền tại TrustBank: Không có chức năng vẫn thẩm định giá tài sản

Ngày 10-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chiếm đoạt tiền và sử dụng tiền trái pháp luật xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt TrustBank) tiếp tục phần thẩm vấn về hành vi mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị căn nhà số 5 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM rồi bán cho TrustBank.
Theo lời khai của các bị cáo nguyên là lãnh đạo TrustBank, việc ký các biên bản họp hội đồng quản trị, nghị quyết và hợp đồng mua bán nhà là căn cứ vào chỉ đạo của bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị TrustBank, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) và chứng thư thẩm định giá tài sản.
Kết quả điều tra cho thấy vào thời điểm giao dịch, giá thị trường của căn nhà trên chỉ có 154,5 tỷ đồng nhưng đã được “thổi” lên gấp hơn 8 lần, thành 1.268 tỷ đồng trong chứng thư thẩm định giá do Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản của TrustBank (viết tắt Công TrustAsset) ban hành.
Đây là căn cứ để TrustBank mua căn nhà số 5 đường Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, tạo điều kiện cho bị cáo Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 1.105,5 tỷ đồng của TrustBank.
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Bùi Thế Nghiệp (nguyên định giá viên của Công ty TrustAsset) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã quy kết.
Vụ chiếm đoạt tiền tại TrustBank: Không có chức năng vẫn thẩm định giá tài sản ảnh 1 Các bị cáo trong một phiên xét xử
Được cấp trên giao trách nhiệm thẩm định giá căn nhà số 5 đường Phạm Ngọc Thạch, bị cáo đã báo cáo rằng Công ty TrustAsset không có chức năng thẩm định giá; đồng thời bản thân bị cáo chỉ có thẻ định giá viên, không có thẻ thẩm định viên, không có chuyên môn về thẩm định giá nên không thể thực hiện việc này nhưng lãnh đạo công ty vẫn buộc bị cáo phải thẩm định giá tài sản trên với mức giá cao nhất có thể.
Sau khi tiến hành thẩm định giá, bị cáo đã vài lần báo cáo mức giá tài sản nhưng không được cấp trên đồng ý, chỉ đến khi con số 1.268 tỷ đồng được đưa ra thì lãnh đạo công ty mới thông qua kết quả định giá.
Được chủ tọa phiên tòa phiên tòa phân tích, bị cáo Nghiệp thừa nhận việc định giá căn nhà số 5 đường Phạm Ngọc Thạch theo phương pháp “giá trị thặng dư” là không có cơ sở.
Bị cáo Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset) cũng thừa nhận việc ký chứng thư thẩm định giá khi Công ty TrustAsset không có chức năng thẩm định giá là sai quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo biện minh rằng do hiểu lầm định giá và thẩm định giá giống nhau (?!), xin hội đồng xét xử xem xét.
Trong chiều qua, chủ tọa phiên tòa cũng hỏi đại diện Chi cục Thuế quận 3 TPHCM về cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với bị cáo Hứa Thị Phấn khi chuyển nhượng căn nhà số 5 đường Phạm Ngọc Thạch.
Theo cáo trạng, bị cáo Phấn mua căn nhà này với giá 450 tỷ đồng, bán lại cho TrustBank với giá 1.260 tỷ đồng. Kết luận giám định thuế của Bộ Tài chính xác định số thuế thu nhập cá nhân bị cáo Phấn đã kê khai nộp thuế là 25,2 tỷ đồng, trong khi số thuế thu nhập cá nhân qua giám định thuế là hơn 202,4 tỷ đồng, nghĩa là số thuế chênh lệch là hơn 177,2 tỷ đồng. Đại diện Chi cục Thuế quận 3 cho biết có 2 cách thu thuế: cách thứ nhất là thu 25% phần giá trị chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn; cách thứ hai là thu 2% tính theo giá trị chuyển nhượng.
Do bị cáo Phấn không cung cấp giấy tờ để tính theo cách thứ nhất nên buộc phải tính theo cách thứ hai (?!).
Dù đại diện Chi cục Thuế quận 3 khẳng định đã thu thuế đúng quy định, nhưng theo hội đồng xét xử, việc cách tính thuế của Chi cục Thuế quận 3 đã làm lợi cho bị cáo Phấn gần 200 tỷ đồng.
Hôm nay phiên tòa tiếp tục làm việc.

Tin cùng chuyên mục