Vụ buôn bán thuốc giả Heath 2000 Canada: Làm giả hợp đồng mua bán để nhập thuốc về Việt Nam

Chiều 12-5, phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VNPharma, TPHCM và một số tỉnh, thành, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chuyển sang phần xét hỏi

Với hành vi “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, chủ toạ phiên tòa Đào Bá Sơn xét hỏi bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hàng hải Quốc tế H&C). 

Vụ buôn bán thuốc giả Heath 2000 Canada: Làm giả hợp đồng mua bán để nhập thuốc về Việt Nam ảnh 1 Các bị cáo tại phiên tòa 
Theo hồ sơ vụ án, khoảng cuối tháng 10-2012, bị cáo Võ Mạnh Cường cùng lãnh đạo Công ty VNPharma gặp Raymundo Y Mararac (quốc tịch Philippines, là Giám đốc sản xuất của Health 2000 Canada tại Philippines, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty Helix Canada) để bàn về mua bán thuốc của Helix Canada. Raymundo sẽ cung cấp các giấy tờ để VNPharma làm thủ tục cấp visa nhập khẩu đối với thuốc mà thị trường Việt Nam đang có nhu cầu.

Theo đó, trong thời gian chờ cấp visa, phía Helix Canada sẽ sản xuất các thuốc có cùng hoạt chất, công dụng và đặt tên thương mại giống với các thuốc do Health 2000 Canada đã bán cho VNPharma trước đó.

Tại tòa, bị cáo Võ Mạnh Cường khai nhận, mình là người đại diện cho Nguyễn Lê Xuân Khang (đang bỏ trốn) và Raymundo nên phải tiếp thị thuốc cho người mua.

Lãnh đạo Công ty VNPharma sau đó liên hệ với Võ Mạnh Cường đặt mua 4 loại thuốc do Helix Canada sản xuất có cùng hoạt chất, công dụng và tên thương mại giống với Health 2000 Canada.
Vụ buôn bán thuốc giả Heath 2000 Canada: Làm giả hợp đồng mua bán để nhập thuốc về Việt Nam ảnh 2 Bị cáo Trương Quốc Cường nghe lời khai của các bị cáo khác 
Do Helix Canada chưa được cấp Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam nên không thể nhập khẩu thuốc vào Việt Nam.
Để nhập thuốc vào Việt Nam, lãnh đạo VNPharma và Võ Mạnh Cường thống nhất lập hợp đồng nội bộ giữa VNPharma với Helix Canada dùng để đặt hàng.
Các bị cáo là nhân viên của Công ty VNPharma làm giả 15 hợp đồng mua bán và 26 phụ lục hợp đồng kèm theo giữa Công ty VN Pharma với Công ty Austin Pharma Specialities Co. Hong Kong. Từ đó nhập khẩu trót lọt các loại thuốc này vào Việt Nam.

Trong khi đó, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (cựu Kế toán trưởng Công ty VNPharma) khai nhận, quá trình điều tra, ra toà nhiều lần, khi thanh toán, bị cáo thấy đơn vị thụ hưởng, người ký hợp đồng là không giống nhau, đây là điều bất thường...

Chủ tọa làm rõ "Như vậy, một đơn vị bán mà lại chuyển cho đơn vị thứ 3 mà không liên quan đến hợp đồng. Một đơn vị mua hàng, bán hàng mà không được thụ hưởng, đó là lỗ hổng, bất thường" và cho rằng, thái độ khai báo của bị cáo Phương là không thành khẩn. 

Vụ buôn bán thuốc giả Heath 2000 Canada: Làm giả hợp đồng mua bán để nhập thuốc về Việt Nam ảnh 3 Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa 
Trước đó, trong phần kiểm tra căn cước và thủ tục phiên tòa, luật sư Hà Mạnh Huy (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó Phòng của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế) đề nghị triệu tập cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang (bị khởi tố, bắt tạm giam hôm 11-3 trong vụ án ở Công ty Dược phẩm Cửu Long).
Theo luật sư, ông Cao Minh Quang cũng liên quan vụ án này nên cần phải triệu tập để làm rõ một số nội dung, văn bản do ông Cao Minh Quang ký đối với quy trình cấp đăng ký thuốc cho Công ty VNPharma.
Phiên tòa sơ thẩm này, đại diện Bộ Y tế, Công ty VNPharma, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế, Tổng Cục Hải quan và Cục Hải quan TPHCM, các đại diện của các cơ quan, đơn vị này đều có mặt.

Trong phiên tòa, có 29 luật sư tham gia tố tụng, riêng ông Trương Quốc Cường có 6 luật sư. 

Trước khi phiên tòa bước vào phần xét hỏi, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng Châu, cựu Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Dược) đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Hội đồng giám định của Bộ Y tế để làm rõ những nội dung mà luật sư cho rằng có sự mâu thuẫn trong kết luận giám định liên quan vụ án.

Ngày 13-5, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo còn lại. 

Tin cùng chuyên mục