Vụ “bốc hơi” 245 tỷ đồng: Nếu ngân hàng làm đúng quy trình, kẻ gian sẽ không rút được tiền

Vụ việc 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình gửi tiết kiệm tại Eximbank bị “bốc hơi”, đến nay, đôi bên vẫn chưa đi đến thống nhất trong cách giải quyết nên bà Bình tiếp tục có văn bản phản ứng với Eximbank về việc chưa trả tiền cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật. 

Bà Chu Thị Bình (bên trái) mời 2 luật sư Phan Trung Hoài và Đinh Ánh Tuyết tư vấn, hỗ trợ mặt pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình
Bà Chu Thị Bình (bên trái) mời 2 luật sư Phan Trung Hoài và Đinh Ánh Tuyết tư vấn, hỗ trợ mặt pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình

Liên quan việc nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM Lê Nguyễn Hưng đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình, chiều ngày 15-3, Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng luật sư IDVN, đại diện của bà Chu Thị Bình, đã có văn bản phản hồi sau khi ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên HĐQT, Luật sư trưởng của Eximbank có những phát biểu chính thức trên phương tiện truyền thông khẳng định rằng, Eximbank luôn tôn trọng bảo mật thông tin khách hàng, không muốn đưa những vấn đề để có lợi cho mình, bất lợi cho khách hàng ra để dư luận đánh giá; đồng thời cho rằng, việc ông Lê Nguyễn Hưng - Nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM không thể thực hiện được hành vi phạm pháp nếu không có sự tiếp sức và thông đồng.

Luật sư Đinh Ánh Tuyết cho biết: "Chúng tôi rất thất vọng về phát ngôn của ông Ngô Thanh Tùng, bởi thông tin đưa ra là không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, một chiều và thể hiện sự thiếu tôn trọng với khách hàng là bà Chu Thị Bình”.

Theo luật sư của bà Bình, Eximbank đã cố tình lờ đi 2 thông tin hết sức quan trọng: Thứ nhất, chữ ký của người được ủy quyền - bà Lê - là chữ ký giả; và thứ hai, bà Bình, bà Lê chưa bao giờ đến Eximbank làm thủ tục ủy quyền và các nhân viên của Eximbank (ông Lê Nguyễn Hưng và một số nhân viên khác) đã biết nhưng vẫn cố tình làm sai thủ tục, quy trình ủy quyền, rút tiền do chính Eximbank quy định.

Luật sư này cho rằng, đại diện Eximbank chỉ cung cấp một phần thông tin về chữ ký của bà Bình được giám định là thật mà cố tình lờ đi sự thật là Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44 - Bộ Công an) đã xác minh là chữ ký của bà Lê - người được ủy quyền - là giả.

Luật sư Đinh Ánh Tuyết nhấn mạnh: Nếu các nhân viên của Eximbank làm đúng thủ tục, quy trình trong việc lập giấy ủy quyền và yêu cầu cung cấp đủ giấy tờ nhân thân, sổ tiết kiệm gốc khi làm thủ tục ủy quyền, rút tiền, thì chắc chắn Lê Nguyễn Hưng cho dù là Phó Giám đốc một chi nhánh của Eximbank cũng không thể rút được tiền từ ngân hàng.

Trong văn bản gửi Eximbank, phía bà Bình khẳng định: Theo C44 đã xác định bằng văn bản việc mất tiền là do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM, sử dụng giấy tờ giả để rút và chiếm đoạt của Eximbank 245 tỷ đồng rồi bỏ trốn. Theo đó, với tư cách là ngân hàng nhận tiền gửi, có trách nhiệm bảo quản và chịu rủi ro về tiền gửi của khách hàng thì Eximbank phải có trách nhiệm trả lại ngay tiền gửi tiết kiệm cho bà Bình. Bởi lẽ, việc thực hiện nghĩa vụ của Eximbank theo thẻ tiết kiệm - hợp đồng gửi tiền - hoàn toàn độc lập với vụ việc hình sự, trong đó Eximbank đã được cơ quan điều tra xác định là nạn nhân bị Lê Nguyễn Hưng lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Đại diện của bà Bình cho rằng, mong muốn Eximbank sẽ có hành động cụ thể để thể hiện sự tôn trọng và thực hiện lời hứa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, bảo vệ giá trị của ngân hàng và lợi ích của cổ đông của chính Eximbank.

"Chúng tôi cũng mong đợi Hội đồng Quản trị Eximbank sẽ nhanh chóng thực hiện tuyên bố ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và Eximbank không chỉ phải hành xử có trách nhiệm với bà Chu Thị Bình mà còn phải hành xử có trách nhiệm với tiền của cổ đông và công chúng tín thác", Luật sư Đinh Ánh Tuyết nói. 

Tin cùng chuyên mục