Vụ bạo hành trẻ em ở trường mẫu giáo tư thục: Sẽ khởi tố vụ án

Ngày 27-11, Công an quận 12, TPHCM cho biết, sẽ khởi tố vụ án và  tạm giữ Phạm Thị Mỹ Linh (sinh năm 1974, quê tỉnh Lâm Đồng, trú phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) là chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (đường HT05, phường Hiệp Thành, quận 12) để điều tra về hành vi bạo hành trẻ em.
Bà Linh tại trụ sở Công an
Bà Linh tại trụ sở Công an

Cũng trong ngày 27-11, Công an quận 12 đã lấy lời khai bà Phạm Thị Mỹ Linh là chủ trường mầm non tư thục Mầm Xanh lên làm việc. Công an cũng đã mời 2 người khác có mặt trong đoạn clip là Quỳnh (ngụ tỉnh Cà Mau) và Đào (ngụ tỉnh Đồng Tháp) lên làm việc.

Bước đầu, tại cơ quan công an, chủ trường mẫu giáo tư thục Mầm Xanh thừa nhận hành vi bạo hành trẻ em như trong đoạn clip được báo chí đăng tải. Bà Linh khai rằng việc hành hạ các cháu bé là do bà cùng các bảo mẫu khác bị áp lực trong công việc, khi mà việc trông coi các cháu bé từ độ tuổi 2 - 5 không dễ dàng và cũng muốn "dạy dỗ" các cháu.

Trong sáng cùng ngày, nhiều phụ huynh đã đưa trẻ tới cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra.

Trong diễn biến liên quan đến vụ việc, trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng cho biết, Phòng GD-ĐT quận 12 và UBND phường Hiệp Thành, quận 12 đã kiểm tra đột xuất lớp mẫu giáo Mầm Xanh vào sáng 23-11 và phát hiện hai bảo mẫu không có chuyên môn, nghiệp vụ như quy định.

Theo đó, lớp mẫu giáo Mầm Xanh hoạt động từ năm 2015. Thời gian đầu, cơ sở chỉ nhận các cháu bé dưới 3 tuổi. Đến năm 2016, lớp đổi thành Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, chỉ nhận học sinh lứa tuổi mẫu giáo, từ 3 tuổi đến dưới 6 tuổi.

Trong năm 2017 và 2018, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 2 lần. Mới đây, sáng 23-11, cơ quan chức năng phát hiện một số sai phạm như 2 bảo mẫu không có chứng chỉ bồi dưỡng dành cho bảo mẫu như quy định.

Khi làm việc, chủ cơ sở là bà Linh giải thích rằng, do giáo viên của lớp nghỉ việc, chủ cơ sở mới tuyển hai bảo mẫu vào thử việc, chưa kịp ký hợp đồng lao động và hai bảo mẫu này cũng chưa có chứng chỉ như quy định.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM, cho biết: "Về xử phạt hành chính, theo điều 27 Nghị định 144/2013 của Chính Phủ, mức phạt tiền là từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Nếu tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn là đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: Đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm... thì có thể bị truy tố hình sự về tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật hình sự 1999. Với tình tiết là phạm tội với trẻ em thì mức hình phạt sẽ là bị phạt tù từ một năm đến 3 năm theo khoản 2 điều 110 Bộ luật Hình sự".

Tin cùng chuyên mục