Vụ 42 lao động Việt tháo chạy khỏi sòng bạc Campuchia: Đã tìm thấy thi thể thiếu niên 16 tuổi mất tích trên sông Bình Di

Trong số 42 lao động Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, có 40 người chạy thoát và được Bộ đội Biên phòng An Giang tiếp nhận, 1 người bị bắt lại, 1 thiếu niên 16 tuổi không may bị đuối nước tử vong giữa dòng sông Bình Di. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã vào cuộc đề nghị phía Campuchia hỗ trợ điều tra.

Ngày 20-8, lãnh đạo UBND huyện An Phú (tỉnh An Giang) cho biết, các cơ quan chức năng vẫn đang tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng, công an... tiếp tục làm rõ quá trình 42 người Việt Nam (đến từ nhiều tỉnh/thành) tháo chạy khỏi sòng bạc ở xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal (Campuchia) bằng cách bơi qua sông Bình Di (huyện An Phú) về Việt Nam. Trong 42 người nói trên, có 1 người bị phía sòng bài bắt lại, 1 thiếu niên 16 tuổi (quê tỉnh Kon Tum) bị đuối nước đã vớt được thi thể.

Sự việc diễn ra đã hơn 2 ngày, nhưng người dân khu vực biên giới huyện An Phú vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng hàng chục người tháo chạy khỏi một sòng bạc do người Trung Quốc quản lý, sau đó nhảy xuống sông bơi về Việt Nam giữa tiếng la hét...

Vụ 42 lao động Việt tháo chạy khỏi sòng bạc Campuchia: Đã tìm thấy thi thể thiếu niên 16 tuổi mất tích trên sông Bình Di ảnh 1 Nhóm lao động người Việt Nam đang ở tạm tại Trung tâm học tập cộng đồng ở huyện An Phú (An Giang). Ảnh: CHIẾN KHU
Là một trong số 40 người may mắn chạy thoát về nước, chị Đoàn Thị Ngọc D. (20 tuổi, quê Cao Bằng), kể lại, vì cuộc sống khó khăn, cả hai vợ chồng đều phải bỏ quê hương đi làm thuê nhưng vẫn không đủ sống. Một lần lướt facebook, chị D. thấy thông tin tuyển lao động nên tìm hiểu và được môi giới mời gọi công việc “nhẹ nhàng” nhưng lương rất hấp dẫn, thấp nhất 25 triệu đồng/tháng. “Họ bảo công việc rất nhàn, làm việc trên máy tính, trong phòng máy lạnh. Tính đi tính lại nếu cả hai vợ chồng cùng đi làm thì không mấy chốc sẽ thoát khỏi cảnh nghèo túng nên vợ chồng em đã đồng ý đi làm”, chị D. kể.

Theo lời chị D., ban đầu khi tháo chạy, do bất ngờ nên nhóm bảo vệ chưa kịp phản ứng, lát sau những tay vạm vỡ dùng gậy, thanh sắt đánh đuổi, dùng đá ném với theo, kèm những tiếng văng tục. Trong nhóm thoát thân có 7-8 người không biết bơi nhưng vẫn liều mạng nhảy xuống sông, chấp chới tiếng kêu cứu, gọi nhau. Một vài người bơi giỏi kèm người không biết bơi trên dòng nước chảy siết khi lũ thượng nguồn bắt đầu đổ về. Một người đã bị dòng nước cuốn, một người chưa kịp nhảy xuống sông bị đá ném trúng bất tỉnh, bị tra tấn bằng gậy. Người dân cùng biên phòng dùng xuồng máy cứu được nhóm người vượt sông.

Anh Nguyễn H. (29 tuổi, quê Lâm Đồng) kể, trước khi chạy thoát, mình đã bị quản lý casino tra tấn thừa sống thiếu chết. Do làm không đạt chỉ tiêu hoặc dám có thái độ với quản lý, H. nhiều lần bị chích điện tra tấn. “Họ còng hai tay hai chân, bắt ngồi trên ghế rồi ba người đứng xung quanh chích điện vào cổ, đầu, lưng. Ba người cứ dí roi điện vào người tôi đến khi nào hết điện thì thôi”.

4 tháng làm việc quần quật, H. không được trả lương vì cứ đi vệ sinh trễ một giây bị trừ 20 USD, đi làm trễ trừ 50 USD, 6 tuần không đạt chỉ tiêu trừ 200 USD. Biết nếu ở lại, không tẩu thoát thì một lúc nào đó có thể sẽ phải bỏ mạng nơi đất khách, nên H. liều mình tháo chạy cùng mọi người.

Thi thể thiếu niên 16 tuổi bị đuối nước đã được tìm thấy sáng 20-8 trên sông Bình Di. Ảnh: CTV

Liên quan tới vụ việc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên hệ với cơ quan chức năng sở tại làm rõ thông tin, kiểm tra cơ sở này, đề nghị phía Campuchia hỗ trợ tìm kiếm người bị mất tích cũng như điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.

Trước tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng Campuchia, tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân, kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn và cứu thoát, đưa hơn 500 công dân về nước an toàn, hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.

Bộ Ngoại giao đề nghị các cơ quan liên quan và báo chí trong nước tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nâng cao nhận thức của người dân về việc đi lao động ở nước ngoài”.

Tin cùng chuyên mục