Vụ 26 căn nhà xây dựng không phép ở Nhà Bè: Huyện “gật”, sở “lắc”

Một con hẻm với 26 căn nhà xây không phép, tồn tại đã 10 năm, đang là vấn đề nóng gây tranh cãi giữa các cơ quan chức năng.
Một con hẻm trong khu 26 căn nhà xây dựng không phép
Một con hẻm trong khu 26 căn nhà xây dựng không phép
 Chính quyền huyện Nhà Bè muốn giải quyết cho dân hợp thức hóa nhà đất; Sở Xây dựng TPHCM thì bác phương án cho tồn tại. Chưa rõ 26 căn nhà và 103 nhân khẩu sẽ đi về đâu? Hơn 10 năm “an cư” Con hẻm xây dựng 26 căn nhà không phép đã đổi thay khá nhiều so với sự hiển thị trên hồ sơ. Trước đây, vị trí khu đất là hẻm 456/18 Huỳnh Tấn Phát (khu phố 7, thị trấn Phú Xuân), nay đổi thành hẻm 2056/30 Huỳnh Tấn Phát. 26 căn nhà trong hẻm đều có từ 2 “xẹt” trở lên, ví dụ nhà số 456/18/22 hoặc 456/18/8/9... “Năm ngoái, địa chỉ hẻm đã đổi thành số 2056 nhưng khu nhà này thì không được đổi, mà vẫn giữ nguyên số cũ là 456”, ông Lý Hoàng Phương, Tổ trưởng Tổ dân phố 6, đang định cư tại khu 26 căn nhà, cho biết. Từ lối vào là hẻm 2056, phải rẽ 2 lần mới đến 26 căn nhà, toàn bộ nằm trên 2 con hẻm, với chiều rộng chỉ 1,5m và hơn 2m. Các căn nhà cất sát nhau, hầu hết xây 1 trệt - 1 lầu với diện tích đất nhỏ: 4m x 8m hoặc 4m x 9m, cá biệt có vài căn ngang 4m và dài 16m. Một chủ nhà (giấu tên) cho biết, anh mua lô đất 4m x 9m từ năm 2006, với giá 400 triệu đồng. Sau đó, xây dựng nhà 1 trệt - 1 lầu kiên cố, là chốn an cư cho hai vợ chồng và 1 con nhỏ. Tương tự, ông Lý Hoàng Phương về đây từ năm 2008 sau khi bán nhà ở quận 7, gia đình ông và mẹ vợ mua 2 lô đất liền kề, xây nhà và ở từ đó đến nay. “Hầu hết các gia đình cư ngụ ở đây đều khó khăn, người đến từ miền Tây, người từ miền Trung; đặc biệt có nhiều hộ bị giải tỏa từ quận 2, quận 4. Hồi đó, mua đất bằng giấy tay, rồi cất nhà lên, cho đến nay chưa có hộ nào được cấp giấy chủ quyền. Tôi là tổ trưởng dân phố, nên nhiều lần phát biểu tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đề nghị cấp chủ quyền nhà để người dân thuận tiện cho con cái đi học”, ông Phương nói. Hiện nay, các tiện nghi cho người dân đã khá hơn, có nước sạch đến tận nhà thay cho nước giếng, có điện; 7 trường hợp đã có hộ khẩu, 15 trường hợp có số nhà; tổng số 103 nhân khẩu. Đáng chú ý, 26 căn nhà xây không phép này nằm trong một khu dân cư khá đông đúc, nhà cửa san sát, nhiều trường hợp cũng chưa có giấy chủ quyền.
Một lãnh đạo huyện Nhà Bè cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã vào cuộc xác minh, kết luận về vụ 26 căn nhà xây dựng không phép nói trên. Theo đó, nhiều cán bộ của huyện đã mất chức vì liên đới trách nhiệm.
Xóa hay không xóa?  Theo hồ sơ, khu đất có diện tích 1.131m2, là đất nông nghiệp do vợ chồng ông T. quản lý và sử dụng từ năm 1982, được UBND huyện Nhà Bè cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2008. Từ năm 2003 đến năm 2011, chủ đất mở 2 con hẻm trên một phần đất nông nghiệp và một phần đất rạch, đồng thời chuyển nhượng bằng giấy tay cho 26 hộ dân. Cũng trong thời gian này, các hộ dân xây dựng không phép. Một số trường hợp mua đất lúc đầu đã chuyển nhượng tiếp bằng giấy tay cho người khác. Mặc dù việc xây dựng không phép diễn ra từ năm 2003 nhưng đến năm 2011, UBND thị trấn Nhà Bè mới lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Do đã hết thời hiệu xử phạt hành chính nên năm 2016, UBND huyện đã ban hành quyết định áp dụng khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai - xây dựng, buộc khôi phục nguyên trạng đất. “Trong quá trình thực hiện khắc phục, chúng tôi đã nhận 25/26 đơn xin cứu xét của các hộ dân. Người dân trình bày là đã nhận biết việc xây dựng nhà không đúng quy định của pháp luật, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn (đa số là người lao động nghèo) nên tha thiết xin được cho tồn tại và được cấp giấy chủ quyền, ổn định cuộc sống”, một lãnh đạo huyện Nhà Bè thông tin.  Vì lẽ đó, trong một kiến nghị mới đây, UBND huyện Nhà Bè nêu rằng khu đất của 26 căn nhà xây dựng không phép phù hợp với quy hoạch là khu dân cư hiện hữu, nên có thể xem xét cho chuyển mục đích sử dụng đất và cấp phép xây dựng theo quy định. Nếu thực hiện cưỡng chế (đập bỏ) 26 căn nhà nói trên, tiến hành làm quy trình thủ tục cho chuyển mục đích sử dụng đất, rồi cho người dân xây dựng trở lại, sẽ gây lãng phí tài sản. Mặt khác, tất cả cán bộ có liên quan trong vụ việc này đều đã nhận hình thức kỷ luật. “Chúng tôi đề xuất cho phép tồn tại 26 căn nhà, xem xét cấp giấy chứng nhận. Cụ thể, buộc chủ đất hoàn chỉnh thủ tục thỏa thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; cùng các hộ dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định. Sau khi người dân hoàn thành các yêu cầu trên, TP cho phép UBND huyện thực hiện thủ tục công nhận tài sản gắn liền với đất”, một lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cho biết. Việc xử lý 26 căn nhà xây dựng không phép này đòi hỏi phải thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng cần xem xét cho phù hợp với tình hình mới. Vụ việc kéo dài đã lâu, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý rốt ráo, nhằm ổn định đời sống người dân.

Tin cùng chuyên mục