Vòng đàm phán Brexit toàn diện thứ 5: Cuộc đua nước rút

Ngày 20-7, các nhà đàm phán của Anh và EU bắt đầu vòng đàm phán kéo dài đến ngày 24-7 tại London để tiếp tục tháo gỡ những bất đồng từ hai phía trong bối cảnh thời gian để đạt được một thỏa thuận không còn nhiều.

Thỏa thuận hạn chế

Do thỏa thuận giữa Anh và EU cần sự phê chuẩn của quốc hội các nước và vùng lãnh thổ thành viên EU, nên thời gian muộn nhất để hai bên ký kết một thỏa thuận là 31-10. 

Hai trưởng đoàn đàm phán EU (trái) và Anh gặp nhau trong khi Covid-19 vẫn hoành hành
Với khoảng thời gian ngắn ngủi này, khi các bên còn nhiều vấn đề cần quan tâm khác như việc phòng chống dịch Covid-19 và đàm phán phân bổ ngân sách 2021-2025 của EU, việc đàm phán giải quyết tất cả các bất đồng để đi đến một thỏa thuận toàn diện, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai, gần như không thể.

Điều này dẫn đến khả năng cao nhất, từ nay đến hạn chót, hai bên chỉ có thể đạt được một thỏa thuận hạn chế, có tính chất tạm thời để có thêm thời gian đàm phán cho một thỏa thuận có tính chất lâu dài. Đối với hàng hóa, hai bên có thể nhất trí với các điều khoản không có thuế quan, không có hạn ngạch. Với các vấn đề còn tranh cãi như dịch vụ tài chính hay đánh bắt cá tại vùng biển của Anh, hai bên có thể tạm chấp nhận điều khoản tương tự như các thỏa thuận của EU với Na Uy và Thụy Sĩ. Trước mắt, Anh có thể cho các nước thành viên EU vào khai thác hải sản tại vùng biển của mình và EU cho phép các doanh nghiệp Anh cung cấp dịch vụ tài chính vào thị trường EU trên cơ sở hàng năm có thể xem xét lại. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán thống nhất các điều khoản áp dụng lâu dài. 

Cố gắng thỏa hiệp

Có nhiều lý do, cả về chính trị và kinh tế, buộc Anh và EU phải thỏa hiệp nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận đúng thời hạn bởi trong bối cảnh tình hình hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận tồi vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận.

Về chính trị, dù Anh đã ra khỏi EU vào ngày 31-1-2020, nhưng Anh vẫn là một quốc gia châu Âu và việc đàm phán một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU vẫn được coi là công việc nội bộ của châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Anh, rõ ràng không muốn bị hiểu lầm là châu Âu đang chia rẽ, không có khả năng giải quyết công việc nội bộ và do đó khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu khác cũng bị hạn chế. Riêng với Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng không muốn bị xem là phản bội lại sự ủng hộ của cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của ông trong cuộc bầu cử sớm vào tháng 12-2019 cũng như bị lực lượng đối lập công kích là không có năng lực khi không thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU.

Về kinh tế, Anh và EU là những đối tác kinh tế, thương mại lớn, quan trọng của nhau. Trong năm 2019, Anh xuất sang EU 300 tỷ bảng Anh và nhập khẩu 372 tỷ bảng từ EU, tương đương với 43% tổng kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của nước này. EU thặng dư thương mại với Anh 72 tỷ bảng, trong đó các nhà sản xuất của EU đang được hưởng lợi lớn khi xuất siêu sang Anh 95 tỷ bảng hàng hóa (EU nhập siêu 23 tỷ bảng các dịch vụ).

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế Anh và châu Âu. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, nền kinh tế nước này trong tháng 4-2020 đã giảm 20,4% so với tháng trước, mức giảm kỷ lục kể từ khi chỉ số này được theo dõi. Nhóm phân tích và tư vấn kinh tế EIU dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng âm 7,4% và Khu vực sử dụng đồng eur (Eurozone) tăng trưởng âm 8,4% trong năm 2020. Các nền kinh tế lớn trong EU như Đức phải đến năm 2022, Pháp và Italy phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô GDP về mức của năm 2019… 

Tin cùng chuyên mục