Vốn và thị trường: Trợ lực nền tảng cho doanh nghiệp

Không ít doanh nghiệp (DN) Việt đang trăn trở với vấn đề làm sao thoát khỏi “kiếp gia công” để từng bước gia nhập vào chuỗi sản xuất giá trị cao toàn cầu. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.

* PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận như thế nào về việc dòng vốn ngoại liên tục tăng đầu tư vào Việt Nam?

- Ông NGUYỄN NGỌC HÒA: Ở góc độ kinh doanh, việc chọn địa điểm đầu tư phụ thuộc vào 2 yếu tố: môi trường đầu tư (gồm chính sách ưu đãi, tình hình an ninh trật tự xã hội, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế…) thuận lợi và khả năng phát triển thị phần cũng như gia tăng quy mô đầu tư sản xuất trong tương lai gần.

Xét 2 yếu tố trên, Việt Nam đang là điểm sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Có thể thấy rõ nhất là những “con sếu đầu đàn” thuộc khối ngoại như Intel, Samsung, Nidec Sankyo, Panasonic, CJ, TTI… đã và đang không ngừng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, gần đây nhất là gã khổng lồ Apple cùng chuỗi cung ứng toàn cầu gồm 25 DN đã bước đầu tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Phải nhìn nhận rằng, so với khối ngoại, DN nội còn yếu cả về quy mô sản xuất lẫn khả năng tiếp cận thị trường. Sức cạnh tranh của DN nội còn thua khá xa so với khối ngoại. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM


* Vậy theo ông, giải pháp nào để giúp doanh nghiệp nội nâng cao nội lực, rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp ngoại?

- Nâng cao nội lực sản xuất và gia tăng khả năng tiếp cận thị trường là 2 yếu tố sống còn. Để nâng cao nội lực sản xuất, DN cần chính sách hỗ trợ vốn phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất. Bởi  hiện nay, các DN trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối vẫn là doanh nghiệp FDI, không phải là DN Việt. Tuy nhiên, chính sách này không thể áp dụng chung mà nên cụ thể trong từng lĩnh vực. Ví dụ, với DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành bán dẫn, cần sự hỗ trợ vốn dài hơi và có tính đến yếu tố rủi ro. Hay với lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, ngoài dòng vốn vay đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất, gia tăng quy mô phát triển, DN còn cần thêm nguồn vốn lưu động.

Về thị trường, việc tiếp cận thị trường cơ bản đã được DN nội bắt nhịp. Những rào cản kỹ thuật không còn làm khó được nhưng Bộ Công thương cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối xúc tiến giao thương giữa DN với thị trường nước ngoài thông qua các Thương vụ, Tham tán Việt Nam tại nước ngoài.

Một yếu tố quan trọng là định hướng xây dựng những DN Việt là “sếu đầu đàn”. Theo đó, nhà nước và DN trong từng lĩnh vực cụ thể cần đàm phán để thiết lập mục tiêu thực hiện theo lộ trình thời gian cụ thể. Trên cơ sở đó, DN cam kết phải đạt được những chỉ tiêu nào để vươn lên thành “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực của mình, từ đó xây dựng chuỗi cung ứng khép kín “make in Viet Nam”. Ngược lại, DN sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp từng giai đoạn để cũng cố và gia tăng nội lực, tạo đà bứt phá. Chiến lược này cần dài hơi nhưng nếu không bắt đầu thì chúng ta sẽ mãi không thể thoát “kiếp gia công”.

Trang trại gà của Công ty Vĩnh Thành Đạt


* Ngoài 2 yếu tố trên, ông thấy những rào cản nào khác từ hoạt động thực tế trong nước cần tháo gỡ để doanh nghiệp nội bứt phá?

- Thành phố cần hoàn thiện chính sách quy hoạch, quản lý, giải quyết khó khăn của các chủ đầu tư khi xử lý đất xen kẹt trong dự án, nhằm nhanh chóng giải phóng nguồn lực xã hội, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển ổn định, góp phần lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Thành phố cũng cần khảo sát hiện trạng sử dụng đất để xóa bỏ tình trạng để đất hoang hóa, chuyển đổi đất nông nghiệp không sử dụng được sang các loại đất khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, tận dụng nguồn lực từ đất đai đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Còn ở cấp trung ương, cộng đồng DN mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ (gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn).

Tin cùng chuyên mục