Vốn đầu tư ngoại vào Việt Nam tăng nhờ FTA

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 21,2 tỷ USD. Trong đó, có đến 1.947 dự án được cấp mới. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ ký trong năm nay, đang đẩy nhanh dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam.

Hướng vào ngành chế biến chế tạo

Trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 9 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép đầu tư mới lớn nhất, với số vốn đăng ký đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 45,5% tổng vốn đăng ký cấp mới. Kế đến là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 4,4 tỷ USD, chiếm 41,9%. Các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 12,6%. 

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ những năm trước, thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt gần 8,4 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Còn ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 27,3%. Các ngành còn lại đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 18,7%. 

Vốn đầu tư ngoại vào Việt Nam tăng nhờ FTA ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao đổi với doanh nghiệp trong nước về khả năng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI

Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, cho biết, thực tế trên cho thấy, đang có sự dịch chuyển rất mạnh chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu đến Việt Nam. Gần nhất, tại hội nghị kết nối cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do UBND TPHCM chủ trì, danh mục hơn 450 sản phẩm, linh kiện, thiết bị công nghiệp hỗ trợ cần tìm nhà cung ứng đã được 14 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối trên thế giới đưa ra. Trong đó, phải kể đến những thương hiệu toàn cầu như Panasonic, Samsung, TTI… 

Cũng theo bà Loan, sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối đến Việt Nam tăng nhanh từ đầu năm 2020 đến nay, đã thúc đẩy nhanh chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ toàn cầu nói chung đến Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ mới cung ứng những sản phẩm giản đơn. Những sản phẩm cốt lõi có giá trị gia tăng cao thì chưa cung ứng được. Và đây chính là dư địa thị trường tiềm năng để những tập đoàn chuyên cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cốt lõi nói riêng và ngành công nghiệp chế biến chế tạo dịch chuyển đến Việt Nam nhằm lấp đầy khoảng trống trên. 

Doanh nghiệp nội lo khó cạnh tranh

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp trong nước lo ngại sẽ không thể chịu nổi sức ép cạnh tranh, khi dòng vốn đầu tư ngoại đang ồ ạt vào Việt Nam. Ông Tống Duy Khanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, cho biết, doanh nghiệp ngoại vốn có lợi thế về nội lực tài chính. Bên cạnh đó, họ đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu rất lâu nên chất lượng, giá thành sản phẩm hay kinh nghiệm quản trị, công nghệ sản xuất... đều cạnh tranh hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước. 

Một vấn đề khác, đang có sự bất bình đẳng trong chính sách ưu đãi giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Đơn cử, doanh nghiệp ngoại nhập khẩu công nghệ, dây chuyền sản xuất được hưởng thuế suất 0%. Còn doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất công nghệ, máy móc… phải đóng thuế nhập khẩu 10%. Như vậy, ngay từ điểm xuất phát, doanh nghiệp nội đã không có cơ hội để phát triển ngành chế biến chế tạo, do không cạnh tranh được giá thành với công nghệ, dây chuyền sản xuất nhập khẩu. Còn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì khả năng cạnh tranh thậm chí còn yếu hơn. 

Phải xoay trở tìm cách cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại đã khó, nhưng doanh nghiệp trong nước còn khó hơn khi vấp phải rào cản hành chính từ cơ quan chức năng trong nước. Một số doanh nghiệp chỉ xin cấp phép đầu tư mở rộng hoặc xây mới nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng 3 năm vẫn chưa được giải quyết xong. Hay như tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, dù doanh nghiệp đã đóng tiền thuê đất 50%, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp chậm đóng đủ tiền thuê sử dụng đất 50 năm cho chính quyền địa phương. Hệ quả là doanh nghiệp gặp khó vì không thể vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.  

Ông Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, nhấn mạnh thêm, một khó khăn khác mà doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt, đó là tốc độ phát triển khoa học công nghệ trên thế giới đang diễn ra rất mạnh mẽ. Kéo theo tính thải loại dây chuyền, công nghệ sản xuất, sản phẩm cũng rất nhanh ở các tập đoàn sản xuất sản phẩm đầu cuối. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp nói chung phải có vốn đủ lớn để đầu tư và thay đổi nhanh công nghệ sản xuất phù hợp với xu thế phát triển. Thế nhưng, với nội lực vốn yếu, cộng với sự trợ vốn vừa chậm, vừa dàn trải của cơ quan chức năng, địa phương hiện nay, rất khó để doanh nghiệp trong nước đột phát trong đầu tư và phát triển.

Hiện Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 44,9% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là làn sóng đầu tư từ khu vực Trung Quốc đạt hơn 1,08 tỷ USD, chiếm 10,42%. Hàn Quốc tiếp tục vị trí thứ 3 với 1,07 tỷ USD, chiếm 10,39%. Ngoài ra, đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc), lãnh thổ Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu… cũng có mức đầu tư trên dưới 800 triệu USD. 

Tin cùng chuyên mục