Vỡ mộng “việc nhẹ, lương cao”

Cứ nghĩ làm việc tại các cơ sở lao động ở TPHCM sẽ được trả lương cao, chế độ tốt như hứa hẹn, nào ngờ nhiều em nhỏ tại Đắk Lắk, Đắk Nông đã phải làm việc quần quật, ngày cao nhất lên đến 14 giờ, sức lực bị vắt kiệt…

Em Phàng Thị A (phải) ở thôn Phú Vinh bị “cò” lao động dụ dỗ đưa đi làm việc ở TPHCM
Em Phàng Thị A (phải) ở thôn Phú Vinh bị “cò” lao động dụ dỗ đưa đi làm việc ở TPHCM

Nghe lời đường mật và vỡ mộng

Tại nhiều vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều “cò” lao động lân la đến các làng để dụ dỗ các em lên TPHCM làm việc. “Cò” vẽ ra viễn cảnh công việc hấp dẫn khiến nhiều em nhẹ dạ tin tưởng, chấp nhận rời làng quê đi lao động.

Em Thào Thị Gióng (14 tuổi, trú thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là một trong nhiều em bị dụ dỗ đi lao động và nay đã trở về nhà. Khi chúng tôi vừa đến nhà, bà Mùa Thị Ka - mẹ Gióng, cứ nghĩ là người đến thuê Gióng lên TPHCM làm việc, xua tay: “Con tôi đi một lần và ngán rồi nên không đi nữa. Thà ở nhà ăn ngô, ăn sắn cũng được, chứ lên đó cực lắm, nó chịu không nổi”.

Sau khi biết chúng tôi không phải đến để thuê lao động, bà Ka vui vẻ mời vào nhà và gọi Gióng ra nói chuyện. Gióng kể, vào đầu tháng 3, một người đến làng tuyển lao động đi TPHCM làm việc. Họ nói về đó làm trong xưởng may, chuyện ăn, ở có chủ xưởng lo, lương mỗi năm 15-20 triệu đồng. Nhà em nghèo, lại đông miệng ăn, em cũng muốn giúp bố mẹ kiếm tiền, thấy có người đến thuê hứa hẹn trả lương cao nên xin bố mẹ đi. Mẹ em cũng gật đầu đồng ý.

Đi cùng đợt, cùng xe với Gióng còn có thêm 10 em khác trong làng, trong đó có Phàng Thị A (15 tuổi). A nói: “Cũng vì người ta hứa hẹn thôi. Nhà em còn nhiều khó khăn. Em muốn giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn nhưng ở quê chẳng biết làm gì có tiền. Người ta vào nhà kêu đi làm ở xưởng may. Họ nói sẽ trả lương cao, chế độ tốt. Em nghĩ, nếu đúng như họ nói thì em sẽ kiếm được tiền giúp gia đình, rồi sẽ được học nghề may. Nghĩ thế nên em đồng ý đi”.

Sau một đêm ngồi xe, các em được đưa vào cơ sở may mặc của một người đàn ông ở TPHCM. Tại đây, các em được bố trí ở trong một nhà kho của xưởng. Công việc hàng ngày là bốc, xếp vải, quần áo đã được gia công. Trái ngược với những gì người thuê hứa hẹn, các em phải làm việc quần quật 12-14 giờ/ngày.

“Mỗi ngày chủ bắt chúng em làm từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, nghỉ và ăn cơm một chút phải tiếp tục làm việc đến 19 giờ. Tiếp đó, chúng em phải làm việc thêm từ 20 giờ đến gần 23 giờ mới được nghỉ. Công việc nặng nhọc, vượt sức khiến nhiều bạn mệt quá không ăn nổi cơm tối, làm xong lăn ra ngủ, không buồn tắm rửa. Làm khoảng 10 ngày em không chịu được cực nên cũng muốn về, nhưng một phần không có tiền, phần nữa chủ không cho. Chỉ đến khi em và một số bạn trong xưởng kiệt sức, khóc xin về thì chủ mới bắt xe đò cho về mà không trả một đồng tiền công nào”, Gióng kể lại.

Cùng trở về với Gióng có Hờ Thị Gu (14 tuổi). Gu vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những cực khổ trong xưởng may: “Mỗi ngày, chúng em phải làm việc cật lực từ 7 giờ đến gần 22 giờ mới được nghỉ. Chúng em khuân vác vải, xếp đồ gia công. Mặc dù mệt lả người nhưng phải cố gắng làm vì ông chủ chửi bới thậm tệ. Ngoài công việc được giao, ông chủ bắt chúng em phải ở trong nhà xưởng, không được ra ngoài nên không biết mình ở đâu của thành phố. Em từng nghĩ, lên phố làm sướng, ai ngờ quá khổ”. Cũng theo Gióng và Gu, thời điểm được đưa vào xưởng may làm, người tuyển lao động hay chủ xưởng chỉ hứa hẹn bằng miệng chứ không hề có hợp đồng lao động.

Trong khi đó, tại thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua cũng nóng lên tình trạng trẻ em tuổi vị thành niên bị các đối tượng lạ đến dụ dỗ đưa đi TPHCM làm việc. Theo thống kê của UBND xã Ea Đăh, trước và sau Tết Nguyên đán có 5 trẻ em ở xã từ 11-16 tuổi bị đưa đi lao động ngoại tỉnh, đến nay vẫn chưa về nhà.

Ngành chức năng vào cuộc

Ông Y Cam, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cho biết trước và sau tết, tại thôn Phú Vinh có 17 em dưới 16 tuổi, 1 em 17 tuổi bị các đối tượng lạ đến dụ dỗ đưa đi TPHCM làm việc. Sau đó, có 7 em đã tự trở về nhà, 3 em được chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng đón về. Hiện vẫn còn 8 em gia đình chưa liên lạc được. Chính quyền địa phương cũng đã báo cáo vụ việc cho các ngành chức năng tìm hướng xử lý vụ việc”.

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông, cũng cho biết: “Khi nhận được thông tin các đối tượng lạ vào khu vực vùng sâu vùng xa dụ dỗ trẻ em đi làm việc ngoại tỉnh, đơn vị đã cử cán bộ  phối hợp với chính quyền địa phương xuống địa bàn tuyên truyền, vận động người dân không để con em bị kẻ xấu dụ dỗ. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát, nắm thông tin các em bị đưa đi lao động chưa trở về. Qua đó sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, phối hợp can thiệp kịp thời, tránh tình trạng tương tự xảy ra”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đã gửi công văn đề nghị phòng LĐTB-XH các huyện, thị xã nêu cao công tác tuyên truyền nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ em đi lao động ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp phải nhanh chóng nắm bắt tình hình địa phương; kiên quyết xử lý các trường hợp “cò” lao động để phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng đáng tiếc này xảy ra.

Tin cùng chuyên mục