Vô cảm hay sợ hãi?

“Thấy người gặp nạn máu me nằm giữa đường trong đêm khuya, bạn có lại xem, gọi điện thoại báo công an, đợi cơ quan chức năng tới, xong theo về trụ sở công an hay tận bệnh viện cùng người gặp nạn để hỗ trợ xử lý vụ việc?”. 
Vô cảm hay sợ hãi?

Câu hỏi trên một diễn đàn suốt 2 ngày qua nhận được hàng ngàn câu trả lời. Phần lớn đều khẳng định sẽ hỗ trợ tới cùng, số ít chần chừ, số rất ít trả lời thẳng: Không!

Tất cả câu trả lời trên, dĩ nhiên chỉ để tham khảo bởi vụ việc đôi nam nữ gặp tai nạn ở TPHCM mới đây, dù có nhiều người qua lại vào thời điểm đó nhưng tất cả đều bỏ mặc nạn nhân, kể cả người có liên đới là tài xế taxi. Một cái kết đau lòng xảy ra. Sự im lặng và lặng thinh đến đáng sợ.

Trong sự việc lần này, có ý kiến cho rằng sự vô cảm của những người chứng kiến sự việc xuất phát từ việc họ sợ trách nhiệm, sợ bị liên lụy. Vì rất có thể, từ người giúp đỡ nạn nhân, biết đâu bất đắc dĩ họ bị... trở thành người gây tai nạn và nhận về mình những rắc rối sau đó. Nhưng, rất nhiều ý kiến khác phản biện rằng, ngay cả khi không biết cách sơ cứu cho nạn nhân vì nếu làm sai, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tức thì, những người có mặt tại hiện trường vẫn có thể gọi điện báo cơ quan chức năng (cảnh sát, cứu thương) có mặt kịp thời. Trong trường hợp này, tài xế taxi có trách nhiệm trong vụ việc trên chắc chắn là người đáng trách đầu tiên.

Có một cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong sự việc lần này, là “vô cảm”. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu người Việt có đang vô cảm trước những hoàn cảnh mình chứng kiến, va chạm trong xã hội hiện đại. Hàng loạt sự việc như khi những xe tải chở hàng bị đổ xuống đường, người dân xúm vào tranh thủ… nhặt đem về nhà; trong chính môi trường học đường khi nữ sinh đánh nhau nhưng bạn bè làm ngơ, quay phim tung lên mạng và thậm chí ngay trong môi trường gia đình khi con cái ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi,... từng được báo chí phản ánh, nên được giải thích thế nào?

Những sự việc nói trên đều mang tính điển hình và trong những trường hợp ấy, không cần nói giảm nói tránh, đó là sự vô cảm. Vô cảm phải chăng là sự khủng hoảng niềm tin của con người với xã hội, nhất là những giá trị đạo đức đang bị đảo lộn? Cái ảo, cái giả ở đôi chỗ được tung hô, còn sự tử tế bị nghi ngờ, phải chăng là nguyên nhân khiến người ta mất niềm tin và vô cảm trước nỗi đau của người khác?

Nhưng, cũng không thể quy chụp rằng người Việt đang vô cảm. Mỗi ngày, còn biết bao câu chuyện tử tế khi lòng tốt, sự hướng thiện từ trong gia đình đến ngoài xã hội vẫn đang được lan tỏa. Một lời nhắc quên gạt chân chống xe máy khi đi đường; chiếc bánh mì, ly trà đá được phát miễn phí; phong trào dọn rác đến những hành động lớn hơn như xây những ngôi nhà, cây cầu thiện nguyện… vẫn đang được tiếp nối.

Điều quan trọng nhất, không phải trao cho những mảnh đời bất hạnh giá trị về vật chất mà quan trọng hơn là mang đến họ niềm tin về sự tử tế, sẻ chia còn tồn tại trong xã hội này. Nhưng, những bài học tử tế ấy liệu có được dùng để thay cho những lớp lang sách vở ở trường học hay sự áp đảo của “truyền thông bạo lực” khi chỉ ưu tiên đăng tin cướp, giết, tình dục mải mê kiếm view, đã phần nào tác động đến tâm lý của người thụ hưởng.

Và hơn hết, muốn có những thay đổi lớn, hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ với bản thân mình, từ đó lan tỏa thông điệp và năng lượng tích cực. Dạy một đứa trẻ biết nói xin lỗi và cảm ơn; trao những kỹ năng sống, biết yêu thương, sẻ chia, đồng thời từ bỏ lối sống ích kỷ, thực dụng và sống có hoài bão. Hơn hết, giáo dục về trách nhiệm xã hội đối với công dân từ trên ghế nhà trường, từ gia đình phải là điều then chốt.

Tin cùng chuyên mục