Vĩnh biệt soạn giả Mịch Quang: Người mở đường cho nền sân khấu học

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang, một trong những người mở đường, là viên gạch đầu tiên xây dựng nền sân khấu học, nghệ thuật học, thi pháp học, kịch học Việt Nam đã vĩnh biệt dương thế ngày 16-2, tại Hà Nội, hưởng thọ 101 tuổi. Ông ra đi đã để lại niềm thương tiếc khôn nguôi đối với người thân và bao thế hệ hậu bối. 
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng ở Bình Định. Từ năm 1954, tập kết ra Bắc, ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Sớm tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương cùng với những sáng tạo không mệt mỏi, ông đã có nhiều đóng góp có giá trị trên 2 lĩnh vực: nghiên cứu và soạn giả sân khấu.
“Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc”, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khẳng định. Cũng theo GS Hoàng Chương, ở tuổi bách niên, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật, khoảng 30 năm trở lại đây, soạn giả Mịch Quang liên tục cho công bố những công trình quan trọng nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, như “Đặc trưng nghệ thuật tuồng”, “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc”, “Kinh dịch và nghệ thuật truyền thống”, “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”... 
Vĩnh biệt soạn giả Mịch Quang: Người mở đường cho nền sân khấu học ảnh 1 Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang 
Ông là nhà nghiên cứu Việt Nam đã nêu ra một số lý thuyết có tính phổ quát được giới nghệ thuật học quốc tế quan tâm. Nhờ các công trình nghiên cứu và hơn 80 tiểu luận đăng trên các tạp chí của tác giả Mịch Quang, khát vọng xây dựng hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc từng bước được hiện thực hóa.
Đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của ông đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do ông tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển. 
Kết quả nghiên cứu của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang được công nhận không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Chính từ các kết quả này, một nhịp cầu nối mới đã hình thành, đưa tên tuổi của ông đến với nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trên thế giới. Ông cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong các năm 2001 và 2017.
Theo Hội Nghệ sĩ sân khấu, lễ viếng, tiễn đưa nghệ sĩ Mịch Quang về nơi an nghỉ cuối cùng sẽ được tổ chức vào sáng ngày 21-2 tại Hà Nội  

Tin cùng chuyên mục