Vĩnh biệt cha đẻ “cây lúa cao hơn đầu người”

Khi chiếc xe chở nhà khoa học Viên Long Bình rời Bệnh viện Xiangya, trực thuộc Đại học Trung Nam, ở TP Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), vào buổi chiều mưa 22-5, người dân đã đứng sẵn hai bên đường để đưa tiễn đưa “cha đẻ” giống lúa lai đầu tiên giúp hàng triệu người thoát khỏi nạn đói, vừa qua đời ở tuổi 91.

Tất cả mọi phương tiện đều ngừng lại, người dân hai bên đường đã đồng thanh hô to: “Ông Viên, chúng tôi cầu chúc cho ông một cuộc sống bình yên ở một thế giới khác”. Thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Xu Dazhe đã đến viếng và chuyển lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông Viên vào chiều 23-5. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá cao những đóng góp của ông Viên đối với an ninh lương thực, đổi mới khoa học và công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc, cũng như phát triển lương thực toàn cầu. Ông Tập nhấn mạnh rằng, cách tốt nhất để tưởng nhớ nhà khoa học là học hỏi từ ông.

Vĩnh biệt cha đẻ “cây lúa cao hơn đầu người” ảnh 1 Nhà khoa học Viên Long Bình lúc sinh thời

Bên cạnh vô số huân chương, danh hiệu cao quý trong và ngoài nước, trong một bài viết tưởng nhớ, Liên hiệp quốc (LHQ) đã tôn vinh ông Viên là người có những đóng góp xuất sắc trong việc thúc đẩy an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế của người dân. Hơn một thập kỷ qua, Tổ chức Giải thưởng Lương thực thế giới đã gửi các sinh viên nông nghiệp trẻ của Mỹ tham gia thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai quốc gia của ông Viên.

Sinh tại Bắc Kinh vào năm 1930, nhà nông học Viên Long Bình đã thành công trong việc tạo ra giống lúa lai năng suất cao đầu tiên trên thế giới vào năm 1973. Với 5 thập kỷ nghiên cứu về giống lúa lai gieo trồng trên chưa đầy 9% tổng diện tích đất canh tác của thế giới, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã giúp gần 20% dân số thế giới thoát khỏi nạn đói. Hiện nay, khoảng 16 triệu hécta đất nông nghiệp ở Trung Quốc là trồng giống lúa lai này, chiếm 57% tổng diện tích trồng lúa trên cả nước, qua đó giúp nuôi sống thêm 80 triệu người mỗi năm. Nhà nông học Viên Long Bình đã góp phần không nhỏ đưa Trung Quốc trở thành một trong những nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, ông cùng nhóm nghiên cứu của mình còn đang lai tạo và phát triển một giống lúa lai có thể trồng ở môi trường nước mặn.

Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên nước ngoài trong bộ phim tài liệu mang tên Viên Long Bình được công chiếu năm 2009, ông Viên cho biết, ông đã từng mơ thấy cây lúa lai siêu cao của mình cao bằng cây cao lương, bông chùm to bằng chổi, hạt to như hạt đậu phộng. Ông có hai ước mơ là “được tận hưởng sự mát mẻ dưới bóng những cây lúa cao hơn đầu người và lúa lai có thể được trồng rộng rãi trên khắp thế giới để giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực trên toàn cầu”.

“Chỉ cần còn sống, tôi sẽ không ngừng theo đuổi và mơ ước về giống siêu lúa lai”. Di sản của ông Viên để lại sẽ cung cấp nguồn cảm hứng cho các thế hệ trong tương lai ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, như tờ China Daily ngày 24-5 nhận định.

Tin cùng chuyên mục