Viettel và những mục tiêu mới về đầu tư nước ngoài

Năm 2017 là thời điểm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel có bước nhảy vọt về tăng trưởng doanh thu từ đầu tư nước ngoài. 
Mạng 4G Telemor của Viettel đầu tư ở Đông Timor
Mạng 4G Telemor của Viettel đầu tư ở Đông Timor

Các thị trường kinh doanh sau 3 năm khai trương đều có lãi và dòng tiền lợi nhuận chuyển về Việt Nam đạt gần 45% số vốn mà Viettel đã thực hiện đầu tư ở nước ngoài.

Đã chuyển 516 triệu USD lợi nhuận về Việt Nam

Năm 2016 là một năm khó khăn về đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel bởi bất chấp những kết quả tích cực về tăng trưởng doanh thu ở các thị trường, kết quả kinh doanh hợp nhất của Viettel Global – đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài, vẫn hạch toán lỗ tới 3.475 tỷ đồng. Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, nguyên nhân quan trọng nhất của khoản lỗ trên sổ sách này là biến động tỷ giá quá lớn ở các quốc gia châu Phi, chứ không phải bởi kinh doanh đi xuống.

Ông Dũng giải thích: “Lỗ trên sổ sách tức là khi báo cáo chúng tôi phải quy về đồng USD. Nếu tính theo đồng nội tệ thì tất cả các thị trường châu Phi,  nơi có biến động về tỷ giá vẫn đang có tăng trưởng tốt”. Sang năm 2017, khi không gặp biến động tỷ giá bất lợi, Viettel Global báo lãi gần 27 tỷ đồng (1,18 triệu USD) trong bối cảnh công ty này vẫn phải đầu tư lớn vào thị trường mới ở Myanmar và một số thị trường châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn.

Mạng di động Bitel đã khẳng định được chỗ đứng, tăng trưởng cao và đạt lợi nhuận tại thị trường viễn thông cạnh tranh khốc liệt Peru

Cũng theo ông Dũng, trên thực tế, con số lợi nhuận 1,18 triệu USD không phản ánh đầy đủ bức tranh kinh doanh của Tập đoàn Viettel ở nước ngoài. Hiện nay Viettel đầu tư tại 10 thị trường bao gồm cả thị trường Peru. Tuy nhiên, vì yêu cầu của Chính phủ Peru, công ty đầu tư vào thị trường này phải là Tập đoàn Viettel, chứ không phải là Viettel Global. Do đó, các số liệu kinh doanh của Viettel tại thị trường Peru không được đưa vào báo cáo của Viettel Global.

Nếu tính cả thị trường Peru, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel tăng trưởng doanh thu 38% với lợi nhuận là 655 tỷ đồng (28,48 triệu USD).  Về tăng trưởng, năm 2017, 6/10 thị trường của Viettel ở nước ngoài có tốc độ tăng trưởng đạt tới 2 con số như: Cameroon (103%), Mozambique (79%), Peru (37%), Tanzania (35%), Haiti (13%), Đông Timor (12%).

Thượng hiệu Mytel của Viettel sắp được khai trương ở Myanmar

Trong khi đó, ngành viễn thông toàn cầu đã bước vào giai đoạn bão hoà, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình của ngành viễn thông thế giới chỉ 4%. Bổ sung về kết quả kinh doanh ở nước ngoài của Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng cho biết: “Với các thị trường Viettel đầu tư, chúng tôi xác định khoảng thời gian bắt đầu có lãi là 3 năm sau khi khai trương. Nghĩa là những thị trường sau khi khai trương đi vào kinh doanh ít hơn 3 năm mà chưa có lãi là nằm trong dự tính của chúng tôi”.

Trong khi đó, ở ngành viễn thông thế giới, thời điểm bắt đầu có lãi của một dự án viễn thông di động trong bối cảnh thị trường cạnh tranh thường là sau 6-7 năm kể từ khi khai trương. Tính đến thời điểm này, vốn đăng ký đầu tư nước ngoài của Viettel là hơn 2 tỷ USD. Vốn đã thực hiện đầu tư là 1,19 tỷ USD và lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, tức là chiếm gần 45% tổng số vốn đã đầu tư. Trong khi thời gian của giấy phép kinh doanh vẫn còn rất dài.

Kỳ vọng mới của Viettel ở nước ngoài

Hiện tại, tất cả các thị trường kinh doanh 3 năm sau khai trương của Viettel đều đã có lãi. Đặc biệt, thị trường Peru kinh doanh dưới 3 năm đã có lãi. Hiện nay, chỉ còn 4 thị trường chưa có lãi là Tanzania (kinh doanh được 1 năm sau khai trương); Burundi (kinh doanh được 1 năm sau khai trương); Cameroon (kinh doanh 2 năm sau khai trương) và Myanmar đang trong quá trình đầu tư, chưa kinh doanh.

Mặc dù kế hoạch sau 3 năm kinh doanh ở nước ngoài phải có lãi đang đi đúng hướng nhưng các thị trường mới mà Viettel đang mở rộng lại có diện tích, quy mô dân số lớn hơn rất nhiều so với các thị trường đã đầu tư, kinh doanh và có lãi trước đó. Ví dụ, diện tích 3 nước Tanzania, Cameroon và Myanmar gấp 1,7 so với diện tích 5 nước kinh doanh trên 3 năm sau khai trương và đã có lãi là Lào, Campuchia, Đông Timor, Haiti, Mozambique; dân số cũng gấp 2,1 lần. Chính vì vậy, lợi nhuận ở những thị trường trước đó chưa đủ để bù được chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành của các thị trường mới.

Ông Lê Dăng Dũng cũng cho biết thêm, tại các thị trường mới này, Viettel đặt kế hoạch kinh doanh 5 năm sau khai trương sẽ có lãi nhưng trong điều hành mục tiêu được đưa ra là 3 năm phải có lãi rồi. Người đứng đầu công ty phụ trách đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viettel (Viettel Global) cho biết những tín hiệu tích cực đến từ châu Phi với việc Burundi đã có lãi.

Ngoài ra, tại châu Á, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Lào và Campuchia sẽ là nơi tạo dòng tiền hỗ trợ tốt cho các thị trường mới đi vào hoạt động. Tại châu Mỹ, Natcom (Haiti) và Bitel (Peru) sau khi bắt đầu có lãi từ năm 2017 cũng sẽ là những thị trường phát triển tốt trong năm 2018 này.

Hiện nay, Viettel đang đặt kỳ vọng lớn vào thị trường Myanmar dự kiến khai trương trong tháng 6. “Mật độ điện thoại của quốc gia này chưa quá dày đặc và lại mới mở cửa, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nên cơ hội cho viễn thông nói chung và Viettel Global nói riêng là rất lớn. Riêng trong năm 2018, chúng tôi đặt mục tiêu có 2-3 triệu khách hàng tại Myanmar”- ông Dũng cho biết.

Tin cùng chuyên mục