Viết sách lan tỏa sống xanh

Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhất hiện nay. Bên cạnh các dự án, hoạt động nhằm hưởng ứng và lan tỏa sống xanh, một số tác giả trẻ trong nước cũng vào cuộc bằng những cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm cũng như cổ vũ cho lối sống tích cực này.

Sống xanh và sống dài

Hơn 10 năm trước, vào năm 2008, tác giả Ngô Thị Giáng Uyên cho ra mắt ấn phẩm Sống xanh (NXB Trẻ), mang đến những cảm nhận ngắn về môi trường và lối sống ở Việt Nam thời điểm đó. Có thể xem Sống xanh của Ngô Thị Giáng Uyên là một trong những cuốn sách sớm nhất cổ vũ sống xanh, trở thành nguồn cảm hứng cho các tác giả sau này. 

Trước khi xuất bản sách, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (bút danh mình là Hũ) là một blogger về sống xanh được nhiều người quan tâm và theo dõi. Đặc biệt, những năm tháng là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TPHCM, cô có những dự án, chiến dịch về môi trường như “Bán rau không bán túi ni lông” được chú ý. Chính từ trải nghiệm cá nhân đã giúp Quỳnh Hương viết nên cuốn sách Sống xanh rồi mới sống nhanh (NXB Kim Đồng), qua đó chia sẻ những góc nhìn mới mẻ, khác biệt nhưng khá thực tế về các vấn đề môi trường hiện nay. 

Viết sách lan tỏa sống xanh ảnh 1 Hoạt động “Đổi sách lấy cây” thường diễn ra tại Đường sách TPHCM như một cách để lan tỏa sống xanh. Ảnh: THANH THÚY

Sau Sống xanh rồi mới sống nhanh, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương tiếp tục ra mắt cuốn sách Thở giữa rừng người (Wavebooks và NXB Thế Giới), tập hợp những ghi chép của một người trẻ về những rung cảm với cuộc sống, những bài học cô nhận được trong quá trình tương tác với gia đình, bạn bè và nhất là với thiên nhiên - một vấn đề mà tác giả dành nhiều sự ưu tư, đau đáu và tâm đắc.

Với mong muốn có một cuốn sách về môi trường, lối sống xanh phù hợp với điều kiện sống thực tế ở trong nước, sau những đầu sách chia sẻ kỹ năng sống cho giới trẻ, nhà báo Khánh Hùng (bút danh Nam Kha) bắt tay vào thực hiện cuốn sách Sống xanh không khó (NXB Dân Trí).

Theo anh, dòng sách kỹ năng nói chung, sách kỹ năng viết về lối sống xanh nói riêng thường có “tuổi thọ thấp”, nhất là trong thời đại 4.0 hiện nay, mọi thứ xuất hiện chớp nhoáng và bất ngờ. Tuy vậy, những trải nghiệm của cá nhân tác giả, những gợi ý về lối sống xanh mà mọi người có thể áp dụng vào đời sống hàng ngày (hoặc họ đang làm mỗi ngày nhưng chưa nhận ra đó là hành động xanh)… mới là thứ có thể sống dài hơn. 

Dù thực tế vẫn còn nhiều người chưa thực sự quan tâm đến môi trường, thậm chí sách về sống xanh khó có thể được đón nhận nhiều như sách dạy làm giàu, cách sống hạnh phúc… nhưng nhà báo Khánh Hùng cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, những ai quan tâm đến môi trường sống và có khả năng viết thì vẫn phải viết, vẫn phải đề cập vì nó là một phần cuộc sống”. 

Hướng đến thế hệ tương lai 

 Bên cạnh viết sách cho những độc giả trưởng thành, nhiều tác giả còn nhắm tới độc giả nhí như một đối tượng tiềm năng của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường trong tương lai. Trong số này có thể kể đến bộ sách Ươm mầm hạnh phúc của Lionbooks, gồm 2 cuốn: Nếu tớ gieo một hạt giống và Rừng xanh rì rào. Bộ sách được thực hiện với mong muốn giúp các bạn nhỏ có nhận thức đúng đắn về bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian sống xanh, sạch, đẹp.

Được biết đến là một nhà bảo tồn động vật hoang dã nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, Nguyễn Thị Thu Trang (bút danh Trang Nguyễn) đã có nhiều ấn phẩm về đề tài này như Trở về nơi hoang dã (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn), sêri truyện tranh Chang hoang dã (NXB Kim Đồng). Từ ý tưởng mỗi ngày làm một điều đơn giản nhưng thiết thực, có ích cho Trái đất, Trang Nguyễn đã thực hiện cuốn sách 100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái đất (Nhã Nam và NXB Dân Trí), ghi lại những hành động nhỏ mà bản thân tác giả đã thực hiện trong 100 ngày. 

Song song với việc dạy kỹ năng và truyền cảm hứng bảo vệ môi trường cho các em nhỏ, tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương còn hướng các em đến vấn đề này qua bộ sách Hít hà mùi đất nước (Nhã Nam và NXB Hà Nội). “Tôi nghĩ rằng, dù môi trường và biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu nhưng cần có các giải pháp địa phương. Muốn gầy dựng sự tái nhìn nhận thì phải có những cuốn sách mang phong vị Việt Nam, nói các vấn đề tại Việt Nam với minh họa thuần Việt mới đủ sức thu hút”, Quỳnh Hương cho biết.

Cô nói thêm: “Tôi có mong muốn trở thành một tác giả tạo ra các cuốn sách, nội dung về các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường. Sau đó, tôi muốn rủ rê và thúc đẩy nhiều hơn nữa những tác giả trẻ địa phương viết về các vấn đề tại quê hương họ. Đó là cách lên tiếng bền vững, địa phương và gần gũi nhất”, Quỳnh Hương chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục