Việt Nam-Lào-Campuchia: Tăng cường hữu nghị, nâng cao hiệu quả hợp tác

Ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác

Thủ tướng 3 nước đã đánh giá cao ý nghĩa cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến lần này theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen; giúp duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung và lãnh đạo cấp cao ba nước nói riêng. Các Thủ tướng nhấn mạnh, tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa ba nước là tài sản vô giá của ba dân tộc, là động lực để ba nước luôn sát cánh cùng nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước kia và xây dựng, phát triển ngày nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu mà chính phủ, nhân dân Lào và Campuchia đạt được trong phòng chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua; cảm ơn lãnh đạo hai nước đã dành những lời chúc mừng tốt đẹp cho thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chúc mừng thành công của Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ XI và cuộc bầu cử Quốc hội Lào vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kép - chống dịch song hành cùng phát triển kinh tế, Việt Nam đã duy trì được ổn định vĩ mô, đạt mức tăng trưởng gần 3% trong năm 2020, cơ bản kiểm soát được đợt lây nhiễm Covid-19 thứ ba, khẳng định quyết tâm thực hiện thắng lợi “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045”. 

Các Thủ tướng đánh giá cao thành tựu hợp tác giữa ba nước trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, quản lý biên giới, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục dào tạo; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của việc đẩy mạnh giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa ba nước. Thủ tướng ba nước nhất trí tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác; đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa 13 địa phương giáp biên; triển khai hiệu quả các thỏa thuận về quản lý biên giới; tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh biên giới chung, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh triển khai Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2030, trong đó chú trọng hợp tác, tranh thủ nguồn lực từ các đối tác để phát triển các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đường sắt Viêng chăn - Vũng Áng và đường sắt TPHCM - Phnom Penh; thúc đẩy xây dựng chợ biên giới và các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa giữa ba nước.

Triển khai hiệu quả các sáng kiến liên quan

Thủ tướng 3 nước cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ nhau trong phòng chống đại dịch Covid-19; tiếp tục tạo điều kiện thông quan thuận lợi cho người và hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới cũng như các hoạt động hợp tác đầu tư; nhất trí phối hợp thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine; triển khai hiệu quả các sáng kiến liên quan được thông qua trong khuôn khổ ASEAN 2020, trong đó có Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và Hành lang đi lại ASEAN.

Các Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa 3 nước tại các diễn đàn tiểu vùng, khu vực và quốc tế trong thời gian qua, khẳng định cam kết cùng các nước thành viên khác đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, phối hợp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong ASEAN cũng như gắn kết hợp tác Mê Công với các chiến lược, kế hoạch hợp tác của ASEAN.

Trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, ba Thủ tướng chia sẻ mong muốn Myanmar sớm ổn định, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình, vì lợi ích của Myanmar, vì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực; đồng thời nhất trí tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực của ASEAN. Ba Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí phối hợp xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ba Thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore đang phát triển hiệu quả, thực chất

Ngày 10-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Thủ tướng Lý Hiển Long chúc mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; chúc mừng Việt Nam về thành tích kiểm soát đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, trong đó có việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở ra cơ hội mới cho tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư của toàn khu vực. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khẳng định Singapore rất coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Singapore trở thành điểm sáng ở khu vực về kiểm soát đại dịch Covid-19; đánh giá cao các sáng kiến thúc đẩy phục hồi kinh tế của Singapore, trong đó có các sáng kiến tạo thuận lợi cho đi lại, như “bong bóng di chuyển hàng không” và “Kết nối Changi”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên hợp tác tích cực kiểm soát đại dịch và tiếp cận nguồn vaccine an toàn; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư khôi phục sản xuất, trao đổi thương mại và đầu tư; phát huy hiệu quả hợp tác trong các Hiệp định CPTPP, RCEP nhằm thúc đẩy thương mại, giảm thiểu tranh chấp.

Tại cuộc điện đàm, hai thủ tướng nhất trí rằng quan hệ Đối tác Chiến lược đang phát triển hiệu quả và thực chất; khẳng định tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh (như nông thủy sản, tài chính, công nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, cơ sở hạ tầng…), đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 (như phát triển năng lượng sạch, giải pháp đô thị và đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và số hóa, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực).

Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tiến tới đạt được COC thực chất và hiệu quả.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục