Việt Nam văn hóa sử cương: Cuốn sách đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam

Ngày 28-7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tổ chức tọa đàm và ra mắt cuốn sách Việt Nam văn hóa sử cương của học giả Đào Duy Anh, một cuốn sách được coi là kim chỉ nam cho nhiều công trình nghiên cứu văn hóa ở nước ta trong suốt gần một thế kỷ qua.
Việt Nam văn hóa sử cương: Cuốn sách đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam

Ấn bản lần này được biên tập dựa trên bản in lần đầu tiên năm 1938, đồng thời tham khảo một số chi tiết trong nội dung của bản in năm 1951 của Xuất bản Bốn phương, Viện Giáo khoa Hiên Tân Biên. Sách được bổ sung phần Sách dẫn để độc giả tiện tra cứu nhân danh, địa danh và một số mục từ quan trọng được đề cập trong nội dung. Các lỗi chính tả và lỗi in ấn trong bản in lần đầu (1938) được sửa lại cho đúng.

Việt Nam văn hóa sử cương: Cuốn sách đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam ảnh 1 Tọa đàm ra mắt sách tại Hà Nội

Theo Tiến sĩ Vũ Đức Liêm (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội), cuốn sách được biên soạn và xuất bản lần đầu năm 1938, là một nỗ lực giải quyết “cuộc va chạm” giữa văn hóa Việt Nam truyền thừa từ bao đời và văn hóa phương Tây du nhập lan tràn trong bối cảnh xã hội nước ta đầu thế kỷ XX. Học giả Đào Duy Anh nhìn nhận “cuộc va chạm” ấy chính là “bi kịch hiện thời” đến từ “sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương.” Để giải quyết sự xung đột này, ông đề nghị “một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới.” Tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương chính là lời giải cho nan đề đầu tiên: Văn hóa xưa là thế nào?

Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã được đánh giá là bộ sử toàn diện đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam từ sơ khởi đến năm 1938. Cùng với Văn minh An Nam (La Civilization Annamite, 1944) của Nguyễn Văn Huyên, hai cuốn sách này đã trở thành những công trình khoa học đầu tiên đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam trên tinh thần khoa học và dân tộc.

Đặc biệt, đơn vị xuất bản đã bổ sung 108 minh họa so với ấn bản gốc. Phần bổ sung gồm một số minh họa trong các tư liệu: Tập san L’Illustration, sách L’Art Indo‑Chinois của Albert de Pouvourville (bộ sách Bibliothèque de l’Enseignement des Beaux‑Arts) và Monographie Dessinée de l’Indochine-Cochinchine (Ký họa về Đông Dương-Nam Kỳ).

Ấn phẩm ra mắt lần này có sử dụng minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa,... trong đó có 1 bức họa của họa sĩ Thang Trần Phềnh và 6 bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils.

Tin cùng chuyên mục