Việt Nam phát hiện đột biến gene ở virus B.1.167.2 của Ấn Độ, nguy hiểm hơn

Chiều tối 29-5, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, qua giải trình gene các mẫu bệnh phẩm Covid-19, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện đột biến gene trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.

“Chúng tôi phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.167.2  (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh)”- GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo. Đồng thời cho biết thêm dữ liệu B.1.167.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biến mất Y144  nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm. 

Việt Nam phát hiện đột biến gene ở virus B.1.167.2 của Ấn Độ, nguy hiểm hơn ảnh 1

Trước đó vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã xuất hiện thêm biến chủng SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh. “Đột biến này rất nguy hiểm. Tới đây Việt Nam sẽ công bố chủng này trên bản đồ gene thế giới.”- Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Qua thống kê, trong đợt dịch thứ 4 có sự xuất hiện đa chủng virus. Hai chủng phổ biến nhất là chủng từ Ấn Độ và chủng từ Anh, trong đó chủng Ấn Độ chiếm đa số, chủng Anh chỉ xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương khác. Tuy nhiên với sự xuất hiện biến chủng mới, Việt Nam đã lưu hành 8 biến chủng của nCoV, bao gồm: chủng Vũ Hán, D614G ở châu Âu, B.1.1.7 từ Anh, chủng B.1.351 ở Nam Phi, B.1617 từ Ấn Độ, B.1.619 từ châu Phi, chủng B.1.222 và biến chủng mới vừa xuất hiện chưa được đặt tên.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, đợt dịch lần này virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng nên điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức. “Đặc điểm dịch tễ của đợt dịch này có một số vấn đề khác, như đa ổ dịch, đa hình thái và đa chủng. Đợt này, chúng ta gộp tất cả những khó khăn của 3-4 đợt trước cộng lại, có dịch tại cả khu công nghiệp, trong cộng đồng, bệnh viện”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2, được các nhà học học trên toàn cầu cập nhật liên tục. Bản đồ này được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2

Tin cùng chuyên mục