Việt Nam nêu quan điểm về việc máy bay Australia bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông

Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), không làm gia tăng căng thẳng khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế.

Ngày 9-6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Bán đảo Triều Tiên; ủng hộ các bên thể hiện thiện chí, thúc đẩy đối thoại, cùng nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Với tinh thần đó, đồng thời là nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và là đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc, trong khả năng của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.

Việt Nam nêu quan điểm về việc máy bay Australia bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông ảnh 1 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

* Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu quan điểm của Việt Nam trước thông tin máy bay Australia bị máy bay tiêm kích Trung Quốc quấy rối trong không phận thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), không làm gia tăng căng thẳng khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế. Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

* Trả lời phóng viên về vấn đề căn cứ hải quân Ream ở Campuchia được khởi công ngày 8-6, có thông tin cho rằng căn cứ này dành cho quân đội Trung Quốc sử dụng nhằm tăng cường ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn thế giới”.

Tin cùng chuyên mục