Việt Nam mang gì đến Cannes 2018?

Đến hẹn lại lên, mỗi kỳ Liên hoan phim (LHP) Cannes khai mạc, giới mộ điệu điện ảnh quốc tế nói chung và điện ảnh Việt nói riêng lại háo hức chờ đợi. Với Cannes, tiếng nói Việt mỗi năm có thêm ít nhiều chuyển biến, nhưng để tạo đột phá, cần chặng đường dài.  
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (hàng cuối, góc phải) - 1 trong 15 gương mặt được lựa chọn tham gia chương trình The Atelier
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (hàng cuối, góc phải) - 1 trong 15 gương mặt được lựa chọn tham gia chương trình The Atelier
Chưa có phim Việt nào tham gia tranh giải ở các hạng mục chính
Câu hỏi “sao” Việt đến Cannes để làm gì, vốn chưa bao giờ mới và câu trả lời gần như rõ mười mươi. Thế nhưng, mỗi mùa LHP này được tổ chức, nó lại được khơi lại. Từ chỗ chỉ xuất hiện với tư cách là khách mời của các nhà tài trợ, 1-2 năm trở lại đây, nhiều nghệ sĩ Việt đã đường hoàng bước lên thảm đỏ chính thức của LHP danh giá bậc nhất thế giới, nay đã bước sang tuổi 71. 
Năm ngoái, Cục Điện ảnh Việt Nam còn phối hợp với một số đơn vị tổ chức “Đêm Việt Nam” ở Cannes và bộ phim Đảo của dân ngụ cư nhận được khá nhiều phản hồi tích cực. Hai tấm pano lớn quảng bá cho du lịch Việt cũng xuất hiện tại Cannes 2017, dù bên cạnh đó là những lùm xùm. 
Đến Cannes 2018, vẫn chưa có bất kỳ đại diện phim Việt nào tham gia tranh giải ở các hạng mục chính thức: Cành cọ vàng, Nhãn quan độc đáo, giải thưởng cho cá nhân... Tuy nhiên, hai tiếng “Việt Nam” vẫn được nhắc đến trong một số dự án đã lọt đến vòng tranh giải ở các hạng mục khác nhau. 
Đầu tiên là bộ phim Angel Face với sự tham gia đặc biệt của minh tinh Marion Cotillard. Điểm đáng chú ý của bộ phim nói tiếng Pháp này là Lý Nhã Kỳ sẽ góp mặt với tư cách nhà đầu tư và đồng sản xuất. Angel Face sẽ là 1 trong 18 bộ phim tham gia tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard (Nhãn quan độc đáo) - giải thưởng được đánh giá quan trọng chỉ sau Cành cọ vàng.  
Tác phẩm thứ 2 tham gia tranh giải mang yếu tố Việt là To the Ends of the World (tiếng Pháp: Les Confins du Monde) với sự tham gia của nữ diễn viên Trần Lãng Khê - con gái đạo diễn Trần Anh Hùng - vai nữ chính. Câu chuyện về tình yêu giữa một người lính Pháp và cô gái Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp được quay tại Việt Nam năm 2017. Một số đại diện của Việt Nam cũng tham gia trong nhóm sản xuất bộ phim này. To the Ends of the World sẽ tham gia tranh giải chương trình Directors’ Fortnight - được tuyển chọn bởi Hiệp hội Đạo diễn ở Pháp. Chương trình này có 4 giải thưởng độc lập gồm: Art Cinema Award, SACD Prize, The Europa Cinemas Label Award, Illy Prize được trao cho phim truyện và phim ngắn. Trước đó, nhà sản xuất của bộ phim Ống kính sát nhân (đạo diễn Hữu Hoàng) cũng công bố thông tin phim đã được ban tổ chức xác nhận tham gia chương trình. Tuy nhiên, phim không may mắn lọt vào vòng đề cử cuối cùng.  
Một tin vui khác, Glorious Ashes (Tàn tro rực rỡ) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là 1 trong 15 dự án được chọn đến Cannes 2018 trong khuôn khổ chương trình The Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation nhằm tìm kiếm cơ hội trao đổi, hợp tác. Năm 2017, từng có 2 đại diện Việt Nam tham gia chương trình này là Culi không bao giờ khóc và Vị. 
Một trong những hoạt động bên lề tại Cannes liên quan đến lĩnh vực thời trang Việt, đó là buổi trình diễn bộ sưu tập mới mang tên Les Etoiles De Cannes của nhà thiết kế Hoàng Hải, dự kiến sẽ thu hút khá đông các nghệ sĩ, người đẹp Việt cùng các gương mặt ngôi sao quốc tế. 
Phim châu Á là “thế lực mới”
Dấu ấn lớn nhất của phim Việt trong lịch sử LHP Cannes là giải thưởng Máy quay vàng với tác phẩm Mùi đu đủ xanh (LHP Cannes 1993) của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Những năm gần đây, dù năm nào cũng có thông tin phim Việt đến Cannes nhưng chủ yếu để giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm nguồn vốn sản xuất, trao đổi kinh nghiệm..., chứ ít có cơ hội tranh giải thưởng lớn. Có thể nói, để chạm vào giấc mơ những giải thưởng chính ở Cannes với điện ảnh Việt Nam, đó không phải là câu chuyện ngày một ngày hai.
Trong khi đó, châu Á năm nay thực sự là “thế lực mới” khi hiện diện ở hầu hết các hạng mục giải thưởng từ chính đến phụ. Tranh giải ở hạng mục Cành cọ vàng năm nay có con số kỷ lục 6/21 phim đến từ các nền điện ảnh Á châu. Trong đó, 2 đại diện Nhật Bản (phim Asako I & II và Shoplifters), 1 đại diện Hàn Quốc (phim Burning), 1 đại diện Trung Quốc (Ash Is Purest White),1 đại diện Iran (3 Faces) và 1 đến từ Kazakhstan (My Little One). Họ đều là các nhà làm phim có hơn 1 lần đến Cannes và từng chạm tay vào những giải thưởng danh giá dành cho: đạo diễn, biên kịch, hay giải thưởng của ban giám khảo. Vì vậy, cơ hội cho phim châu Á lên ngôi năm nay là rất lớn.
Ở hạng mục Nhãn quan độc đáo, cũng có những đại diện châu Á: Ấn Độ (Manto), Trung Quốc (Long Day’s Journey into Night)... Ở chương trình chiếu phim đặc biệt, có sự xuất hiện của 1 đại diện đến từ Đông Nam Á - 10 Years Thailand (Thái Lan). Các hạng mục còn lại như: Tuần phê bình quốc tế, Directors’ Fortnight, ACID... đều có sự góp mặt của những bộ phim châu Á khác nhau. 
LHP Cannes 2018 diễn ra từ ngày 8 đến 19-5. Chủ tịch Ban giám khảo hạng mục chính năm nay là nữ diễn viên Cate Blanchett. Hiện chưa có thông tin năm nay đoàn điện ảnh Việt Nam có tham gia LHP Cannes hay không.

Tin cùng chuyên mục