Việt Nam - Liên bang Nga hướng tới 10 tỷ USD giao thương nông sản

Chiều 23-11 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đồng tổ chức diễn đàn trực tuyến thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam - Liên bang Nga. 
Diễn đàn thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản Việt Nam - Liên bang Nga theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội

Đây là hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong nông nghiệp và chào mừng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Liên bang Nga trong thời gian tới; đồng thời nhằm kết nối các doanh nghiệp của hai nước, thúc đẩy giao thương và gia tăng kim ngạch nông sản, hướng tới mục tiêu tổng kim ngạch đạt 10 tỷ USD mà hai nước đang phấn đấu.  

Theo Bộ NN-PTNT, giá trị thương mại hai chiều Việt - Nga trước năm 2018 thường chỉ đạt trên dưới 500 triệu USD/năm. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay đã tăng trưởng mạnh, luôn đạt trên dưới 900 triệu USD/năm và khá cân bằng giữa hai nước. 

Tại diễn đàn, các chuyên gia đưa ra đánh giá, mặc dù Việt Nam đang xếp vị trí số 1 ở khu vực Đông Nam Á về kim ngạch thương mại với Liên bang Nga, song thương mại nông sản giữa hai bên còn thấp so với kỳ vọng. Để cải thiện kim ngạch thương mại nông sản song phương trong thời gian tới, cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao thương về nông lâm thủy sản để tận dụng được lợi thế so sánh và các sản phẩm là thế mạnh của mỗi bên. 

Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi, các doanh nghiệp 2 nước cần chủ động hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường cũng như tìm kiếm đối tác kinh doanh, tích cực tham gia vào các triển lãm, hội chợ chuyên ngành; tiếp tục nâng cao, đảm bảo bền vững các yêu cầu về chất lượng hàng hóa.
     

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ về các hoạt động giao thương nông sản giữa doanh nghiệp của Việt Nam và Liên bang Nga

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Liên bang Nga là thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp của Nga cũng xuất khẩu thủy sản và thịt heo sang Việt Nam. 

Ngoài thủy sản thì các sản phẩm như: hạt điều, cà phê, hồ tiêu, chanh, xoài, bưởi, thanh long là nông sản chủ lực của Việt Nam có thị trường ổn định tại Nga. 

“Chúng tôi thống nhất lần này sang làm việc với Liên bang Nga là rà soát lại các thỏa thuận đã ký kết, nhất là trong lĩnh vực thú y, bảo vệ thực vật, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm để phù hợp với Hiệp định Thương mại kinh tế Á-Âu mà Việt Nam và các nước kinh tế Á-Âu (AEAU) đã ký năm 2016. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các doanh nghiệp của Liên bang Nga để tăng cường trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu và cho biết thêm, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng các đầu mối để tăng cường thông tin giữa 2 bên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Sergey Lvovich Levin chia sẻ, Hiệp định AEAU đã mở ra cơ hội giao thương mạnh mẽ cho hai nước. Việt Nam là một trong những thị trường năng động và phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù đại dịch Covid-19 nhưng thời gian qua thương mại nông nghiệp giữa hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Hai nước có thể phát triển thương mại nông nghiệp lên mức độ mới.

“Bắt đầu từ tháng 4-2021, đại diện nông nghiệp Nga đã làm việc tại Hà Nội để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất và xuất khẩu nông sản sang Việt Nam và chiều ngược lại, tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế đối ngoại”- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Sergey Lvovich Levin cho biết. 

Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt khoảng 469 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là chủ yếu với các mặt hàng thủy sản, cà phê, điều, trái cây, chè, gỗ, gạo và nhập khẩu thủy sản, lúa mì, phân bón... (gần đây có thêm thịt, sữa). Cơ cấu các sản phẩm nông sản của hai nước cơ bản không cạnh tranh trực tiếp với nhau và bổ sung cho nhau.

Tin cùng chuyên mục