Việt Nam lần đầu tiên xây dựng đại học tinh hoa

Ngày 4-11, tại Hà Nội, trường Đại học VinUni (Tập đoàn Vingroup) đã có buổi tọa đàm về việc xây dựng đại học (ĐH) tinh hoa. Trường ĐH VinUni do Tập đoàn Vingroup thành lập từ tháng 3-2018, hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trường dự kiến tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2020.
Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ về con đường xây dựng ĐH tinh hoa
Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ về con đường xây dựng ĐH tinh hoa

Quyết tâm xây dựng ĐH tinh hoa

Tại buổi tọa đàm, bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, xây dựng ĐH tinh hoa là điều mà tập đoàn Vingroup luôn trăn trở, vì đó là con đường mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đi. Tập đoàn đã đi nhiều nước trên thế giới, tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều trường ĐH về xây dựng ĐH tinh hoa.

“Kỳ vọng của bất cứ quốc gia nào đều là đào tạo ra những nhân tài, những con người xuất chúng để có thể làm thay đổi vận mệnh quốc gia”, bà Lê Mai Lan nêu quan điểm. 

“Trường ĐH không phải là đào tạo nhân tài có sẵn, mà phát hiện ra những tố chất có thể đào tạo thành nhân tài. ĐH VinUni mong muốn góp phần tạo ra một thế hệ người tài có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của quốc gia. Đó là con đường mà tập đoàn Vingroup xây dựng một ĐH tinh hoa của Việt Nam”, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ.

Bà Lê Mai Lan cũng cho rằng, một ĐH tinh hoa đương nhiên phải là môi trường đậm đặc nhân tài từ giảng viên đến sinh viên, cùng với đó, hệ thống quản trị văn minh, cơ sở vật chất và tài chính đều phải rất mạnh.

“ĐH tinh hoa là để đào tạo nhân tài, rất tốn kém. Vì thế, chúng tôi không mong có lợi nhuận. ĐH VinUni là đại học tinh hoa, phi lợi nhuận, hướng đến đẳng cấp quốc tế, đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Tài nguyên đất nước có hạn, con người Việt Nam thì giỏi, nhưng tại sao Việt Nam chưa làm được những điều to lớn như các nước. Đó là khát vọng của chúng tôi trong việc xây dựng một ĐH tinh hoa cho quốc gia, chứ không phải là một ĐH đào tạo ứng dụng bình thường như hàng trăm trường ĐH khác”, bà Lê Mai Lan chia sẻ.

ĐH VinUni là kết quả hợp tác giữa Vingroup và 2 trường ĐH tinh hoa thuộc top 20 ĐH tốt nhất thế giới (ĐH Cornell và ĐH PennsyIvania, Mỹ). GS Rohit Verma (Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của trường Đại học Kinh doanh Cornell SC Johnson, được Cornell biệt phái sang Việt Nam làm Hiệu trưởng VinUni) nêu quan điểm, ĐH VinUni hướng đến đào tạo ra những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, có khát vọng, và năng lực để có thể dẫn dắt xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng và hùng mạnh dựa trên nền tảng của tri thức và khoa học công nghệ.

Vingroup hợp tác với ĐH Cornell, ĐH PennsyIvania, các doanh nghiệp của Vingroup để đào tạo các em, bằng cách xây dựng một chương trình giáo dục toàn diện, nhiều hoạt động ngoại khóa để các em có lối sống lành mạnh, có nhiều hoạt động khởi nghiệp, am hiểu các vấn đề xã hội... giúp sinh viên trở thành những công dân toàn cầu.

Việt Nam lần đầu tiên xây dựng đại học tinh hoa ảnh 1 Phối cảnh ĐH tinh hoa ViUni

“Mô hình ĐH của Việt Nam hiện nay là trang bị kiến thức cho sinh viên, điều đó cũng rất quan trọng. Nhưng ĐH cũng cần đào tạo những người có tính tiên phong, có thể thay đổi xã hội, tạo được khát vọng cho người khác. Đó là lý do VinUni mong làm được. ĐH Việt Nam đừng chỉ loay hoay mãi chuyện việc làm, thất nghiệp, mà hãy nghĩ đến việc đào tạo ra những người sẽ tạo việc làm cho người khác”, bà Lê Mai Lan nói. Thực tế, thế giới đã làm nhưng Việt Nam chưa có ĐH tinh hoa.

Tuyển sinh viên không chỉ dựa trên điểm số

Trao đổi về việc tuyển sinh của trường VinUni (bắt đầu từ năm học 2020-2021), GS Rohit Verma, Hiệu trưởng trường ĐH VinUni cho biết, Hội đồng tuyển sinh sẽ tuyển sinh viên qua 3 vòng. Vòng 1, sơ tuyển để bảo đảm các em có một nền tảng kiến thức nhất định (dựa vào kết quả học tập). Vòng 2, yêu cầu sinh viên viết bài luận, trường sẽ xem xét từng hồ sơ thí sinh để lựa chọn. Vòng 3 là đánh giá sinh viên, trường sẽ phỏng vấn trực tiếp các em và có những bài kiểm tra chuẩn hóa để ra quyết định nhận sinh viên nào vào trường.

Ngoài phỏng vấn trực tiếp của trường, sinh viên có thể được phỏng vấn trực tiếp ở khoa, để có thể chuyển nguyện vọng khoa nếu có nhu cầu, bảo đảm sinh viên được đi đúng con đường phù hợp nhất.

“Như vậy, điểm số cũng là điểm khởi đầu nhưng không phải là tất cả, điểm số chỉ là cái nền tảng đầu tiên để bảo đảm các em học tập. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tuyển sinh viên dựa trên: tính cách, khả năng lãnh đạo của các em, niềm tự hào quốc gia, có khả năng phản biện tốt, có ý tưởng khởi nghiệp, có năng khiếu nổi bật. Chúng tôi nhìn sinh viên một cách toàn diện, tuyển sinh viên ở những vùng, hoàn cảnh khác nhau, năng khiếu khác nhau, không chấp nhận một loạt sinh viên giống nhau”, GS Rohit Verma, Hiệu trưởng trường ĐH VinUni nhấn mạnh.

Có mặt ở buổi tọa đàm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng hy vọng Vingroup tạo ra sự khác biệt trong giáo dục đại học.

“ĐH Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, khó khăn, nhiều trường chủ yếu đang phải lo về đất, tiền. VinUni thì không lo về điều đó, và đang đi theo con đường khác biệt, đào tạo ra những người có khả năng dẫn dắt xã hội. Muốn thế phải có tài chính, quản trị, giảng viên tốt, tìm được sinh viên tốt. Hiện nay cơ chế tự chủ đại học đã được triển khai, đó là cơ hội để các ĐH tự chủ, thực hiện sứ mệnh của mình”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu.

Dĩ nhiên, để đào tạo nhân tài không đơn giản, do đó, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, thêm một con đường mà ĐH VinUni cũng nên hướng đến, đó là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước. Đầu vào là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp ở các trường ĐH khác, đó cũng là hướng đi rất cần thiết cho quốc gia.

Tin cùng chuyên mục