Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% - 9% GDP

Từ những thành tựu đạt được trong năm 2020 lắm khó khăn, Việt Nam cần phát huy những gì để năm 2021 có nhiều kết quả nổi trội? Phóng viên Báo SGGP ghi nhận “hiến kế” của một số chuyên gia, doanh nhân...

* Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% - 9% GDP ảnh 1

Thoát khỏi chất lượng thể chế trung bình

Ba đợt sóng cải cách thủ tục hành chính, cùng việc thực hiện Chính phủ điện tử, chính là một trong những dấu ấn đặc biệt trong thời gian qua. Theo khảo sát của VCCI, thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép về điều kiện kinh doanh giảm từ 58% xuống còn 48%, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm 10%.  

Mặt khác, chúng ta đã có 2 cuộc hội nhập đỉnh cao là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người, chiếm hơn 13% GDP toàn cầu và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 quốc gia ASEAN cùng 5 nước đối tác (RCEP) - thêm cơ hội tiếp cận thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu.

Điều đáng mừng, Việt Nam là nước đang phát triển duy nhất tham gia cả 2 hiệp định tự do thế hệ mới này. Khi đó, không chỉ có nghĩa là chúng ta mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa hay khơi thông nguồn vốn đầu tư, mà quan trọng nhất là cam kết của Việt Nam về TTHC, hướng tới những chuẩn mực hàng đầu trên thế giới. Đó cũng là dấu ấn cải cách rất quan trọng. Có thể nói, Việt Nam đã nâng cấp, thực sự chuyển mình trong cuộc chạy đua toàn cầu.

Nhưng so với mục tiêu đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam phải lọt vào nhóm quốc gia có môi trường kinh doanh cạnh tranh hàng đầu ASEAN, chúng ta vẫn đang ở mức trung bình. Do đó, thời gian tới, nhiệm vụ tiếp tục đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể thế vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Chúng ta không thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không thoát khỏi chất lượng thể chế trung bình. Chất lượng thể chế liên quan đến chất lượng hệ thống pháp luật - hiện còn nhiều chồng chéo, nhiều dự án không thể triển khai. Cần tổng rà soát môi trường kinh doanh, để làm sao 2 - 3 năm tới triệt tiêu hết được những chồng chéo này. Chỉ có như thế mới hút được nguồn lực xã hội cho phát triển, vì nguồn lực trong dân rất lớn. Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng 8% - 9% nếu đột phá trong cải cách thể chế

* Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: 

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% - 9% GDP ảnh 2

Cải cách hành chính cần thực chất

Bên cạnh thành quả đạt được, cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế. Trong các văn bản pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quy định bất cập, rườm rà, đang là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Trước hết, cải cách hành chính phải được tiến hành theo phương thức “cải tiến liên tục” ở tất cả các cấp, tạo lực đẩy cho cả hệ thống chính quyền. Bất kỳ thủ tục nào, loại giấy tờ nào, công đoạn nào còn rườm rà, bất hợp lý sẽ được ghi nhận và cải thiện. Trong quá trình cải cách, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu - tức hướng tới yêu cầu của DN và người dân, chứ không chỉ chạy theo các chỉ tiêu hay con số “vô hồn”. Tính linh hoạt, sáng tạo để giải quyết các “nút thắt” về hành chính cho doanh nghiệp và người dân phải được đánh giá cao hơn sự tuân thủ. Cần có cơ chế bảo hộ để khuyến khích tính tiên phong, đổi mới và sáng tạo trong hoạt động quản lý phát triển. 

Một biện pháp quan trọng khác là tăng cường áp dụng công nghệ tin học và số hóa trong các khâu hành chính, hướng tới chính quyền số để phục vụ doanh nghiệp số và công dân số. Số hóa không làm tách rời công chức viên chức với người dân, nhưng sẽ nâng cao tốc độ, hiệu quả công việc và có thể giảm nhũng nhiễu.

Cuối cùng và quan trọng nhất là con người và tổ chức bộ máy. Không thể đòi hỏi cải cách nhiều hơn (không nói là triệt để) trong khi cơ chế đãi ngộ vẫn thế. Tức phải tạo sự cân bằng mới giữa trách nhiệm và quyền lợi chính đáng. Nếu chỉ hô hào đẩy mạnh cải tiến và siết chặt các quy định, thì có giám sát chặt chẽ đến đâu cũng vô nghĩa. Tinh giảm bộ máy và nhân sự phải dồn nguồn lực cho những người thực làm trong hệ thống - đo lường bằng kết quả đầu ra; từ đó mới tạo cơ chế cạnh tranh và thu hút người giỏi cho bộ máy, cái gốc của thành công

* GS-TS NGUYỄN THỊ LAN, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% - 9% GDP ảnh 3

Phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ

Cần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, đặc biệt cần chú trọng đến mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) - một mô hình mà thế giới coi là có hiệu quả thiết thực để phát triển và thương mại hóa các công nghệ được nghiên cứu thành công từ các trường đại học. 

Trường đại học, viện nghiên cứu là một trong những thành tố quan trọng nhất trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Khi mô hình tự chủ đại học ra đời, cùng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, chúng ta đã cho phép hình thành các doanh nghiệp trong trường đại học.

Mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đã được quan tâm nhiều, nhưng mô hình spin-off thì chưa được quan tâm đúng mức. Spin-off là doanh nghiệp hình thành trong trường đại học để thương mại hóa sản phẩm, nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế, tạo cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học khởi nghiệp bằng chính các công nghệ của mình và có thể thu hút đối tác ngoài xã hội cùng tham gia, tạo ra giá trị gia tăng nhất phục vụ xã hội.

Spin-off đã rất thành công ở nhiều trường đại học trên thế giới như Đại học RMIT ở Hoa Kỳ, KU Leuven ở Bỉ, Wageniger ở Hà Lan, Queensland ở Australia… hàng năm tạo khoảng 100 - 200 doanh nghiệp spin-off với doanh thu khá lớn cùng rất nhiều việc làm trong lĩnh vực này.

Ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi tạo cơ chế thông thoáng và ưu đãi cho các nhóm nhà khoa học, sinh viên ưu tú cũng được tham gia nghiên cứu khoa học. Học viện hiện đã tạo được gần 50 sản phẩm có tiềm năng thương mại. Nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp đăng ký hoặc mua bản quyền để đưa vào sản xuất trên quy mô công nghiệp như rượu vang thanh long, bia hoa quả, các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, các loại trà…

Chế độ đãi ngộ cán bộ nghiên cứu rất tốt, với điều kiện là anh phải có sản phẩm bằng các bài báo quốc tế, sản phẩm khoa học được ứng dụng, phải đào tạo được các sinh viên ưu tú. Với nhiều chính sách ưu đãi nên các nhà khoa học rất say mê.

Đã đến lúc Việt Nam cần có hướng dẫn hình thành, vận hành mô hình spin-off trong trường đại học. Cần có chính sách thực sự đột phá và thiết thực để huy động được đội ngũ trí thức khoa học đông đảo từ các trường đại học, viện nghiên cứu tích cực tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia. Rà soát, đánh giá lại và bổ sung mới các chính sách để thu hút đội ngũ các nhà khoa học quốc tế, Việt kiều có đóng góp cho hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

* PGS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% - 9% GDP ảnh 4

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Mấu chốt để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề làm thế nào để tăng trưởng kinh tế đạt được mốc GDP bình quân đầu người ở mức 40.000 USD vào năm 2045. Nếu chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7%/năm thì cứ sau 10 năm, chúng ta có mức tăng lên gấp đôi.

Như vậy, đến năm 2030 thì GDP bình quân đầu người cũng chỉ đạt được 7.000 - 8.000 USD; đến năm 2045 chúng ta cũng chỉ có thể đạt được 20.000 - 25.000 USD. Theo kinh nghiệm của các nước, cất cánh trở thành những con rồng châu Á thì phải có một giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt đến 10%/năm dựa vào đầu tư, đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng.  

Bên cạnh đó, cần phải ưu tiên vào nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng đặt chân vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tạo ra được mức tăng trưởng đột phá.

Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao về đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam và coi đó là khâu đầu tư có hiệu quả cao nhất. Vì vậy, cần phải tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường tốp đầu trở thành trường đẳng cấp quốc tế, như thế sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chúng ta đang dành tiền để đầu tư cho các trường mới trở thành trường đẳng cấp quốc tế.

* Ông LÊ BÁ LINH, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Link Nature Power:

Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8% - 9% GDP ảnh 5

Củng cố nội lực khi ra “biển lớn”

Hội nhập kinh tế giúp chúng tôi hoạt động trong một “thế giới phẳng” hơn. Là đơn vị chuyên sản xuất mặt hàng gia vị xuất khẩu, tôi thấy hiện nay người tiêu dùng Việt Nam và thế giới hầu như đã có nhu cầu như nhau về sử dụng sản phẩm chất lượng, an toàn, đẹp và dễ sử dụng. Do vậy khi sản xuất một sản phẩm, doanh nghiệp cần thực hiện theo một chuẩn mực nhất định.

Chúng ta đã có CPTPP, EVFTA, RCEP, nên cần hiểu quy định, các rào cản từ mỗi hiệp định nói chung và luật lệ của các nước tham gia hiệp định nói riêng. Mỗi quốc gia đều có luật an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng nên khi tham gia xuất khẩu phải đáp ứng quy định của nước đó; phải thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; phải có tính pháp lý cho từng nhãn hàng, chúng ta đã tham gia WIPO về sở hữu trí tuệ, do vậy khi tham gia hội nhập chúng ta nên đăng ký quyền sở hữu đó. 

Doanh nghiệp phải có nghiên cứu thị trường để xác định được điểm yếu, thế mạnh; cần biết rõ nội lực của mình và các công ty cạnh tranh để có thể ra quyết định có nên tham gia vào thị trường đó hay không. 

Ví dụ như khi bán hàng trên Amazon, việc trả lời ý kiến khách hàng diễn ra 24/24 giờ nên phải có người am hiểu về nhiều vấn đề, thường trực để trả lời những thắc mắc đó. Doanh nghiệp cũng cần sẵn sàng đổi trả khi có sự cố về sản phẩm hoặc khách hàng không thích sử dụng sau khi mua về.

Để giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội từ hội nhập, vươn ra “biển lớn” thành công, các bộ ngành cần tăng cường tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên ngành; thường xuyên hướng dẫn và cập nhật các thủ tục và quy định của các nước cho doanh nghiệp; cung cấp các thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường, khả năng gia tăng sản lượng xuất khẩu hàng hóa vào một thị trường nhằm phòng ngừa rủi ro trong tự vệ thương mại.

Hiện nay, vai trò xúc tiến thương mại của các bộ ngành rất tốt, nhưng cố gắng thêm một bước là cần đi vào chiều sâu để các chương trình đạt kết quả tốt hơn. Các bộ ngành nên thành lập những tổ tư vấn, mở các lớp đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục