Việt Nam có thể bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức ​

Phần cuối phiên họp Quốc hội chiều 20-5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. 
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105

Tờ trình nêu rõ, trong tám công ước cơ bản của ILO, Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến tháng 2 năm 2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

Theo Công ước số 105, mọi quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước 105 cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó (như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập; như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công; như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo).

Khi gia nhập Công ước, người sử dụng lao động được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nhà nước và xã hội cũng được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích đó, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của Công ước. Việt Nam cũng có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều lệ của ILO.

Qua thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Theo Ủy ban Đối ngoại, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã và đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục