Việt Nam chuyển sang chăn nuôi hiện đại, hướng tới xuất khẩu

Ngày 15-9 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị bàn về chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040. 

Hơn 10 năm qua, cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 - 6,5 triệu nông hộ trong tổng số 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh việc cung ứng đủ thực phẩm cho thị trường trong nước, bước đầu, Việt Nam đã có một số sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu như: thịt heo choai, thịt heo sữa, gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... Tại thị trường trong nước, bình quân hiện nay, ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp cho mỗi người dân trong một năm khoảng 60kg thịt, 12 lít sữa, 80kg cá, 200kg rau xanh, 200kg trái cây…, chuyển đổi cơ cấu thành công từ 20 triệu người chăn nuôi đến nay chỉ còn lại 6 - 7 triệu người và đã có hệ thống các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Bộ NN-PTNT dự báo, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước trong khu vực tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2030, dân số nước ta sẽ đạt gần 107 triệu người, mức thu nhập trên 10.000 USD và có ít nhất 50 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nước ta sẽ là thị trường lớn về sức tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi. 

Thế nhưng, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thực trạng của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay vẫn cơ bản là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ; công tác kiểm soát dịch bệnh còn nhiều bất cập, trong khi có nhiều dịch bệnh nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết có tỷ trọng thấp… Ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh trong hơn 10 năm qua, nhưng mất cân đối. Điển hình là rổ thực phẩm tiêu dùng của người dân thì thịt heo vẫn chiếm 70% nên liên tục phải lo thịt heo lên giá, ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp mỗi năm đạt trên 40 tỷ USD và Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản xếp thứ 15 thế giới thì ngành chăn nuôi mới chỉ có vài sản phẩm xuất khẩu nhỏ giọt như trứng muối, mật ong…

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, phải coi xuất khẩu là lợi thế và phải tận dụng cơ hội này. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị ngành chăn nuôi thay đổi lại kết cấu ngành hàng cho phù hợp, trước hết là cho nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu; thay đổi nhanh để thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định vai trò quan trọng của ngành chăn nuôi trong đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi phải cụ thể hóa chính sách phát triển đất nước. Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 là công cụ định hướng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế. Theo Phó Thủ tướng, muốn phát triển chăn nuôi bền vững thì phải có sự kiểm soát theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh nhưng phải bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục