Viết để lấp đầy những khoảng trống


Bất ngờ, có lẽ là cảm giác đầu tiên khi đọc xong Ngài Kẹo của Quỳnh Trần. Tác phẩm được cô bé viết năm 14 tuổi, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vào năm ngoái. 
 Viết để lấp đầy những khoảng trống

Không còn những câu chữ hay cảm xúc ngô nghê, vụng dại, Ngài Kẹo đưa bạn đọc vào chuyến phiêu lưu pha một chút màu sắc trinh thám của đôi bạn thân Wendy và Albert ở một thị trấn ở Houston. 

Kể từ khi thị trấn xuất hiện tiệm kẹo Candy Shop - Best N Town của Ngài Kẹo thì chuyện lạ bắt đầu ập đến. Rất nhiều đứa trẻ lần lượt mất tích mà không có một tờ thông báo hay một viên cảnh sát nào được phái đến… 

Ngài Kẹo có câu chuyện mạch lạc, cách dẫn dắt thông minh, đặc biệt là trí tưởng tượng thật sự phong phú. Điều này cho thấy khả năng văn chương thiên phú của Quỳnh Trần. Đặc biệt, khi trò chuyện với Quỳnh, thêm một điều khiến người đối diện không khỏi bất ngờ về tư duy và vốn ngôn ngữ ở cô bé 15 tuổi. Có lẽ vì từ nhỏ, thường được ba mua sách cho đọc nên Quỳnh có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt hơn hẳn so với những người bạn đồng trang lứa. Và cũng nhờ điều này mà Quỳnh yêu văn chương lúc nào không hay. 

Lên lớp 6, Quỳnh bắt đầu thử sức viết văn nhưng chỉ viết với mục đích... cho vui. Quỳnh đã viết rất nhiều, nhưng nhiều trong số đó còn dang dở, cũng có một số bản thảo đã xong nhưng không dám gửi đến các đơn vị xuất bản. “Sau này, con cũng có nghĩ đến việc gửi tác phẩm của mình đến nhà xuất bản mà còn e ngại. Tác phẩm Ngài Kẹo là do ba con gửi giúp”, Quỳnh Trần chia sẻ. 

Tuy vậy, đọc Ngài Kẹo, có một điều khiến nhiều người phân vân đó là tác phẩm không mang bóng dáng gì của Việt Nam. Và nếu che tên tác giả, dễ lầm tưởng đây là tác phẩm do một tác giả nước ngoài viết. Từ tên nhân vật, cách hành văn, lối thoại cho đến bối cảnh đều “rặt” nước ngoài. Lý giải điều này, Quỳnh Trần cho biết: “Trong quá trình xây dựng cốt truyện, con tình cờ đọc được một bài báo về một vụ án tương tự ở Houston, Mỹ. Một câu chuyện như vậy sẽ khó xảy ra ở Việt Nam nên con lựa chọn bối cảnh lẫn nhân vật ở nước ngoài”. 

Hôm trò chuyện với Quỳnh Trần, cô bé tiết lộ ước mơ sau này sẽ trở thành nhà văn. Đây không đơn thuần là ý nghĩ vụt qua mà nó được hình thành từ nhỏ, cộng thêm quá trình đọc và rèn luyện ngòi bút suốt gần 4 năm qua. Thêm một lý do được Quỳnh Trần tiết lộ xuất phát từ tính cách của cô: “Con không có nhiều bạn, và cũng không dễ để trò chuyện cùng các bạn. Vậy nên con tìm đến việc viết. Không được viết, không được sáng tạo con sẽ thấy không vui và trống trải. Với con, viết là để lấp đầy những khoảng trống mà cuộc sống tạo ra”. 

Có thể vẫn còn khá sớm, nhưng không thể không tin tưởng bởi cô bé 15 tuổi này hội tụ đầy đủ các yếu tố cần có của một người viết. Đó là đam mê viết, sở thích đọc sách, đặc biệt là khả năng quan sát và trí tưởng tượng dồi dào. “Mỗi lần được viết, con luôn cảm thấy vui vì được thỏa sức sáng tạo, thấy mình thật “ngầu” khi có thể tạo ra một thế giới của riêng mình”, Quỳnh Trần dí dỏm.

Tin cùng chuyên mục