Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, bị cáo Lê Tấn Hùng

Chiều 9-6, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) do có 7/19 bị cáo trong vụ án kháng cáo. Trong đó, các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm chiều ngày 9-6. Ảnh: TRUNG DŨNG
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm chiều ngày 9-6. Ảnh: TRUNG DŨNG

Theo đại diện VKS, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) có nhiều đóng góp, gia đình có công với cách mạng nên đề HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ cho ông Tuyến từ 6 tháng đến 1 năm tù.

Đối với bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn Nhà nước tại SAGRI), VKS cho rằng bị cáo Hùng thành khẩn khai báo, đã khắc phục hậu quả và gia đình có công với cách mạng. Chính vì thế, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Hùng 6 tháng đến 1 năm tù.

Đối với bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM), VKS cho rằng bị cáo Tuấn kháng cáo kêu oan là không có căn cứ, không oan sai trong bản án sơ thẩm. Cụ thể, bị cáo Tuấn đã có hành vi sai phạm trong việc tham mưu cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) gây thất thoát tài sản.

Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, bị cáo Lê Tấn Hùng ảnh 1 Quang cảnh phiên phúc thẩm chiều ngày 9-6. Ảnh: TRUNG DŨNG 

Thiệt hại trong vụ án, theo bản án sơ thẩm là 348 tỷ đồng. Đại diện VKS cho rằng, số tiền thiệt hại chưa đúng, thiệt hại lên đến 672 tỷ đồng.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND TPHCM thành lập và làm chủ sở hữu. Bị cáo Lê Tấn Hùng là Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn Nhà nước tại SAGRI. Tuy nhiên, bị cáo đã chỉ đạo và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức, TPHCM), gây thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và cán bộ thuộc UBND TPHCM đã làm trái quy định về quản lý tài sản Nhà nước và các quy định khác, tạo điều kiện cho bị cáo Lê Tấn Hùng chuyển nhượng trái pháp luật dự án trên.
Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, bị cáo Lê Tấn Hùng ảnh 2 Đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm chiều ngày 9-6. Ảnh: TRUNG DŨNG

Bị cáo Hùng bị tuyên phạt 14 năm tù về tội Tham ô tài sản và 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, tổng hợp hình phạt 25 năm tù.

Các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn bị tuyên phạt 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Các bị cáo khác nhận từ án treo đến 20 năm tù về các tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, bị cáo Lê Tấn Hùng ảnh 3 Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Viện Kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, bị cáo Lê Tấn Hùng ảnh 4 Bị cáo Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn Nhà nước tại SAGRI

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Tấn Hùng và bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cùng các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan và phù hợp quy định của pháp luật, không làm oan đối với bị cáo.

Bị cáo Hồ Văn Ngon, nguyên Phó Giám đốc SAGRI kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi làm đơn kháng cáo, bị cáo Hồ Văn Ngon đã chết.

Tin cùng chuyên mục