Việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm ​

Chiều 24-7, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc. ẢNH: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc. ẢNH: QUANG PHÚC

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123.600 tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đã triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng Ngân sách Nhà nước (Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55.000 tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công. Giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách…

Thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chỉ rõ còn nhiều hạn chế trong thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đơn cử vẫn còn vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; bất cập trong ban hành, thực hiện đơn giá, định mức nói chung, nhất là lĩnh vực xây dựng; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng chống dịch Covit-19.

Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm.

Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%. Chính phủ đã nêu trong báo cáo một số trường hợp phải đi thuê nhà thương mại trong khi quỹ nhà công vụ còn có thể bố trí được; việc trả lại nhà công vụ của một số trường hợp còn chậm so với thời hạn được thuê nhưng chưa nêu cụ thể các trường hợp này và giải pháp khắc phục. Công tác triển khai phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt còn chậm.

Ủy ban cũng cho rằng, Chính phủ chưa tổng hợp được các dự án “treo”, diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa trên toàn quốc, chưa thống kê các dự án BT, BOT đang vướng mắc, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư chưa phù hợp, gây lãng phí để có giải pháp xử lý. Vi phạm về đất đai vẫn xẩy ra dẫn đến khiếu kiện, bức xúc của nhân dân. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn cần có giải pháp để sử dụng hiệu quả. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Việc xử lý các dự án yếu kém chậm, còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay là do khuôn khổ thể chế và công tác thực hiện còn bất cập nhưng Chính phủ chưa làm rõ trong báo cáo và đề ra giải pháp để tháo gỡ, khắc phục…

Tin cùng chuyên mục