VIAC tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp trực tuyến phòng ngừa dịch Covid-19

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức một phiên xử, phiên họp trực tiếp rất khó khăn. Để “gỡ khó”, tại VIAC đã tổ chức hình thức kết nối online qua teleconference hay video conference thay thế cho các phiên họp trực tiếp.

Chiều 19-3, ông Phan Gia Quí, Nguyên Chánh Tòa Kinh tế TAND TPHCM - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thông tin, trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc tổ chức một phiên xử, phiên họp trực tiếp rất khó khăn.

Để “gỡ khó”, tại VIAC đã tổ chức hình thức kết nối online qua teleconference hay video conference thay thế cho các phiên họp trực tiếp.

Theo ông Phan Gia Quí, phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ có nhiều thành phần tham dự, không chỉ các bên, mà còn có luật sư, thậm chí cả các trọng tài viên cũng có thể là người nước ngoài.

VIAC tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp trực tuyến phòng ngừa dịch Covid-19 ảnh 1 Một cuộc hội thảo do VIAC từng phối hợp tổ chức với đơn vị khác 
Tuy vậy, nước ta đã tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 18-3. Khi các lệnh cấm được ban hành, việc tổ chức một phiên xử, phiên họp trực tiếp là vô cùng khó khăn.

Thực tế, việc tổ chức kết nối online qua teleconference hay video conference đã được áp dụng nhiều lần tại VIAC trong trường hợp các trọng tài viên gặp sự cố không thể trực tiếp tham dự phiên họp.

Việc giải quyết thông qua phương thức điện tử có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay, góp phần hạn chế tiếp xúc đông người, khắc phục khó khăn về mặt di chuyển. Tuy nhiên, ông Phan Gia Quí cũng lưu ý phương pháp này chỉ được áp dụng nếu các bên đồng ý.

Trước đó, ngày 10-3, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có Chỉ thị hỏa tốc về phòng chống dịch Covid-19 trong hệ thống TAND. Theo đó, tòa án sẽ tạm dừng thụ lý, xét xử các vụ tranh chấp đến hết tháng 3-2020, đồng thời tiến hành các phương án an toàn phòng chống dịch cho các cá nhân, tổ chức đến làm việc tại tòa.

Hiện nay, bên cạnh tòa án, trọng tài thương mại đang là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Chính vì vậy, với chỉ thị trên từ tòa án, các doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng không tránh khỏi những hoang mang, vướng mắc về vấn đề: Liệu Covid-19 có ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại?

Việc giải quyết thông qua phương thức điện tử của trọng tài được đánh giá cao, có ưu thế hơn hẳn so với tòa án ( hiện nay chưa có cơ chế này). Bởi xét xử theo thủ tục tố tụng tại tòa án phải tiến hành theo quy định của pháp luật; được điều chỉnh, thống nhất chung trong một hệ thống từ cấp trung ương đến địa phương, bất kỳ ý kiến nào được đưa ra cũng cần có sự thẩm định, phê duyệt, chứ không thể chủ động thay đổi. Trọng tài thì khác, sự vận hành trong tố tụng trọng tài có phần linh hoạt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của các bên khi tiến hành giải quyết tranh chấp.

Tin cùng chuyên mục