Vỉa hè vẫn bị tái lấn chiếm

Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM đang thúc giục chính quyền các quận huyện tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; đặc biệt trong bối cảnh bước vào những tháng cuối năm.

Vào giữa tuần qua, đoàn liên ngành của Thường trực Ban ATGT TPHCM đã có buổi làm việc với UBND quận Gò Vấp xoay quanh các điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tại buổi tiếp xúc, 2 điểm nóng nhất trên địa bàn quận Gò Vấp được xác định là tuyến đường Phạm Văn Đồng và đường Đặng Văn Sâm. Cả hai tuyến đường này đều dày đặc hàng quán, đặc biệt vào chiều tối, trong đó đường Đặng Văn Sâm vừa nhỏ vừa chạy xuyên Công viên Gia Định khiến giao thông đi lại càng trở nên khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Không riêng quận Gò Vấp, suốt thời gian dài qua, toàn địa bàn thành phố luôn đối mặt với thực trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm dùng vào nhiều mục đích khác nhau của nhiều đối tượng khác nhau. Tựu trung đó là tình trạng các hộ mặt tiền kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe, hàng hóa, bảng hiệu; buôn bán hàng rong trên vỉa hè… Bên cạnh đó, việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông như tiệc cưới, tang lễ… vẫn khá phổ biến, từ đó ít nhiều góp phần ảnh hưởng đến trật tự ATGT và mỹ quan đô thị.

Theo Ban ATGT TPHCM, trong số 178 tuyến đường trọng điểm, tiêu biểu được tổ chức kiểm tra, có 15/178 tuyến đường buôn bán phức tạp như: Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Thanh, Thuận Kiều, Nguyễn Tri Phương, Lê Quang Sung, Minh Phụng, Ông Ích Khiêm, Kinh Dương Vương…

Đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè là bài toán cực khó và có vẻ chính quyền các quận huyện vẫn loay hoay tìm giải pháp tối ưu để giải quyết một cách căn cơ thực trạng trên.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho hay mặc dù quận thường xuyên tổ chức kiểm tra trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, nhưng khi xử lý quán này thì các hàng quán khác biết và hối hả dọn bàn ghế đã đặt lấn chiếm vỉa hè. Trong khi đó, đường Đặng Văn Sâm liên quan đến 3 quận Gò Vấp, Tân Bình và Phú Nhuận, tức chỉ có thể chấn chỉnh hiệu quả nếu có sự phối hợp đồng bộ, liên tịch giữa 3 quận.

Với cái nhìn tổng thể, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM, đề nghị UBND và ban ATGT các quận huyện khẩn trương triển khai thực hiện những chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Trưởng ban ATGT TPHCM tại hội nghị tổng kết năm 2018. Yêu cầu đoàn kiểm tra liên ngành đường bộ, đường sắt phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở GTVT TPHCM tăng cường kiểm tra, giám sát về tình hình trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các tuyến đường có tình hình trật tự lòng đường, vỉa hè phức tạp, khiến dư luận bức xúc.

Ban ATGT thành phố cũng đề nghị UBMTTQ Việt Nam TPHCM tham gia góp ý, đánh giá những mặt làm được, chưa làm được và có đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn lòng đường, vỉa hè.

“Trong công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè thì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương cần xác định rõ ràng, nếu để xảy ra lấn chiếm lòng lề đường thì phải xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu địa phương. Bên cạnh đó, các quận huyện, phường xã cũng cần có kế hoạch cụ thể riêng, phù hợp với đặc thù địa phương, địa bàn, khu vực quản lý. Do lực lượng thi hành có hạn, không thể hiện diện ngoài đường 24/24 giờ để kiểm tra, chấn chỉnh địa bàn, vì thế địa phương cần có cách làm mới, linh hoạt hơn, chẳng hạn như xây dựng các nhóm tự quản. Ví dụ, trên tuyến đường lấy một khu vực làm điểm, mời tổ dân phố và một số hộ buôn bán để vận động người dân cùng tham gia tự quản một phần vỉa hè. Phần vỉa hè nhóm tự quản được giao phải có trách nhiệm giữ gìn trật tự”, ông Tường nêu vấn đề và nhận xét rằng, với cách làm này, hy vọng người dân sẽ có ý thức chấp hành, giữ gìn và tự nhắc nhở lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục