Vì view…

View, lượt xem hay lượt truy cập, trên mạng xã hội giờ đã trở thành một hiện tượng xã hội, xóa nhòa ranh giới giữa giá trị đích thực và giá trị ảo trong nghệ thuật. Nói không ngoa, view thật sự giống với lợi nhuận mà vì nó người ta sẵn sàng tự treo cổ (như lời của Marx).

Mới đây nhất, khi Sơn Tùng M-TP tung ra clip Hãy trao cho anh, cộng đồng mạng đã ngỡ ngàng trước các kỷ lục 40 triệu views và hơn 2 triệu lượt thích, được cả tạp chí âm nhạc nổi danh của Mỹ là Billboard thán phục, coi là một hiện tượng âm nhạc đình đám. Có thật Sơn Tùng M-TP đã là “đỉnh”, một thiên tài âm nhạc Việt? Rất tiếc là không, vì nhiều người biết Sơn Tùng M-TP có tài, có ngoại hình bắt mắt, song vẫn còn đó sự chắp vá, lai căng, ảnh hưởng (cứ tạm gọi là ảnh hưởng dù trong quá khứ ca sĩ này cũng có lần bị tố là đạo nhạc). Trong MV mới nhất, người nghe nhận xét bài hát có giai điệu bắt tai, sôi động, nhưng lời ca khúc thật sự là thảm họa, vừa khó nghe vừa không có điểm nhấn về nội dung. Nếu so sánh với MV (Để Mị nói cho nghe) mới tung ra của Hoàng Thùy Linh, người sành điệu dễ dàng bỏ phiếu cho cô vì giai điệu đậm âm hưởng Tây Bắc, vì lời ca khúc, vì giọng hát nhẹ nhàng, quyến rũ và trên hết còn có “hồn dân tộc”. 

Nhưng Sơn Tùng M-TP vẫn thắng thế trên các bảng xếp hạng nhờ vào… công nghệ 4.0 với lượng fan khổng lồ. Người ta ghi nhận các học sinh thuê nguyên cả tiệm net để đêm ngày “cày view cho sếp”, cày miệt mài, quên ăn quên ngủ vì thần tượng không dễ để “lạc trôi”.

View là lối sống của giới showbiz, sống vì view, chết cũng vì view. Nực cười nhất là chuyện cover bài hát Độ ta không độ nàng ầm ĩ mấy ngày qua. Bài hát này ở Trung Quốc ra mắt vào tháng 1 gần như vô danh tiểu tốt, ít người để ý, nhưng tháng 6 khi sang Việt Nam nó bỗng trở thành hit, ăn khách, gây sốt cho giới ca sĩ “làn sóng mới”. Trên kênh YouTube, người ta hát vang lừng, trẻ hát, già hát, ca sĩ mới tập hát đều hát véo von vì dễ hát và phần lời thì muôn hình vạn trạng, biến tấu có đủ cho cả tình yêu lẫn phật pháp. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi một đơn vị kinh doanh ở Việt Nam đã nhanh tay sang Trung Quốc mua bản quyền về và bắt các ca sĩ phải nộp tiền tác quyền. Cũng đúng luật chơi “thuận mua vừa bán”, song từ đó mới nảy sinh chuyện đắt, rẻ, người ca cẩm cái giá 5 triệu đồng/bài hát và 33% doanh thu từ sản phẩm là “dạng trục lợi khi bài hát đang hot”, người tính mối lợi từ phát hành trên nền tảng của Google lại vui vẻ nộp tiền, không gỡ bài hát trên YouTube!

Rối rắm ở chỗ, người Việt vốn có thói quen “buôn có bạn, bán có phường”, một người hát ra tiền là cả đám đông “nhảy xổ” vào hát theo, ăn theo, không cần phải nhọc công đi tìm tòi sáng tạo của bản thân. Vì view thì còn đâu một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc? 

Tin cùng chuyên mục