Vị thế điện ảnh

Điện ảnh châu Á đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ khi liên tiếp chinh phục những đỉnh cao tại các liên hoan phim, giải thưởng quốc tế uy tín. Sự tưởng thưởng ấy xứng đáng. Nhưng, nhìn về điện ảnh Việt, sao vẫn cứ chạnh lòng.

Tính đến thời điểm này, 330 đề cử, 197 giải thưởng là những con số ấn tượng mà phim Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) đạt được. Niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc được xướng tên 4/6 hạng mục tại Oscar 2020, trong đó có giải “Phim hay nhất”.

Một năm sau, Minari (Khát vọng đổi đời) - bộ phim do Mỹ sản xuất nhưng được cầm trịch bởi đạo diễn Hàn Lee Isaac Chung cùng sự góp mặt của nhiều diễn viên Hàn, đang là hiện tượng. Một sự trùng hợp, phim cũng có 6 đề cử Oscar và hầu hết ở các hạng mục chính, gồm cả “Phim hay nhất” và “Đạo diễn xuất sắc”. 

Trước thềm Oscar 2021, ngôi sao gạo cội trong phim, Youn Yuh-Jung, thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại SAG Award của Hiệp hội Diễn viên Mỹ. Bà cũng là nữ diễn viên châu Á đầu tiên chiến thắng giải thưởng danh giá này, rộng đường đến giải thưởng Oscar.
Ở châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran… là những nền điện ảnh lớn khi nhiều lần được vinh danh tại các liên hoan phim phim danh tiếng Cannes, Berlin, Venice… cho đến các giải thưởng Oscar, Quả cầu vàng... Về mặt doanh thu, nhiều phim châu Á cán mốc hàng trăm triệu USD, vươn ra thị trường toàn cầu.
Vị thế điện ảnh châu Á là kết quả tất yếu của quá trình phát triển vượt bậc những thập niên gần đây. Vị thế ấy cũng được củng cố qua việc nhiều bộ phim Hollywood lấy cảm hứng, chọn bối cảnh chính tại châu Á. Mới đây nhất là Raya và rồng thần cuối cùng của hãng Walt Disney. Trong phim, có sự góp mặt của biên kịch gốc Việt và hình tượng nữ anh hùng có bóng dáng của Hai Bà Trưng, môn võ Vovinam, hình ảnh chiếc bánh chưng, những cây tre và nền văn minh lúa nước… của Việt Nam. Thành công của điện ảnh châu Á có thể được giải mã bởi 2 lý do: một câu chuyện mang tính toàn cầu và tính đặc biệt của văn hóa Á Đông. Nó được kết hợp nhuần nhuyễn để khán giả quốc tế vừa dễ đồng cảm nhưng đồng thời, vẫn tò mò, thích thú bởi yếu tố bản địa mới lạ.
Nhìn từ thành công ấy, không thể không xét lại điện ảnh Việt. Và, phải thừa nhận khoảng cách giữa điện ảnh Việt với các nền điện ảnh hàng đầu châu Á vẫn còn xa. Chúng ta có thể tự hào về mức tăng trưởng doanh thu của thị trường rạp chiếu phim Việt luôn nằm trong tốp đầu ở châu Á, nhưng câu chuyện doanh thu và chất lượng nghệ thuật không hẳn lúc nào cũng tỷ lệ thuận. Số phim thắng lớn mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại may mắn hòa vốn, phần nhiều thua đau khiến nhiều nhà sản xuất “khiếp vía” rời bỏ cuộc chơi. Nhiều phim thắng, cũng là ăn may khi chọn đúng điểm rơi, không hẳn là chất lượng.
Lâu lâu lại có thông tin phim Việt này dự giải thưởng nọ, được vinh danh kia. Nhưng số lượng như “lá mùa thu” và phần nhiều, hiếm có cơ hội chen chân vào danh sách đề cử các hạng mục chính, chưa nói đến việc được giải. Năm nào, Việt Nam cũng có phim đến Oscar, nhưng xem ra cho có lệ vì ai cũng biết trước là bị “loại từ vòng gửi xe”. Và, trong khi các nền điện ảnh châu Á, ranh giới phim nghệ thuật - thương mại đang ngày càng được thu hẹp, thậm chí hòa quyện khéo léo thì thực tế ở phim Việt, khoảng cách ấy vẫn xa vời. Phim được gọi là nghệ thuật, đa phần kén khán giả, hoặc cố “tỏ ra hàn lâm” hoặc cục bộ. Phim thương mại đầy rẫy hạt sạn, nhiều khi ngô nghê.
Điện ảnh Việt có thế hệ các nhà làm phim Việt kiều về nước và góp phần thổi làn gió mới. Chúng ta cũng có những nhà làm phim độc lập nỗ lực đưa phim Việt ra nước ngoài. Chúng ta cũng có những phim Việt xuất ngoại, dù đa phần mang tính giao lưu. Những cái tên đình đám, đa phần là ngôi sao gốc Việt, đang hoạt động ở nước ngoài. Những gì tồn tại ở điện ảnh Việt vẫn cứ là chuyện “muôn năm cũ”, khó thoát xác. Có những tồn tại trở thành trầm kha và rồi được chấp nhận như điều hiển nhiên. Ì ạch như thế, điện ảnh Việt bao giờ cất cánh dù đã có nền tảng nền điện ảnh cách mạng đầy bản sắc và không ít huy hoàng.

Tin cùng chuyên mục