Vì sao phải di dời ngôi mộ vợ vua Tự Đức?

Chiều 18-7, tại buổi họp báo thường kỳ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trả lời các câu hỏi của phóng viên Báo SGGP liên quan đến sự việc di dời ngôi mộ bà Tài nhân Cửu giai họ Lê Thị thụy Thục Thuận tức vợ vua Tự Đức.
Đo đạc huyệt mộ vợ vua Tự Đức tại vị trí triển khai dự án bãi đỗ xe
Đo đạc huyệt mộ vợ vua Tự Đức tại vị trí triển khai dự án bãi đỗ xe

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này cho rằng, trước khi ban hành văn bản chỉ đạo UBND TP Huế và các sở, ban ngành liên quan việc thống nhất phương án di dời ngôi mộ trên ra khỏi phạm vi thực hiện dự án bãi đỗ xe, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cuộc họp, lắng nghe ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

“Đây là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh nói chung và bản thân tôi rất trăn trở. Tôi đã chủ trì cuộc họp và đích thân đã trao đổi và lấy ý kiến từng thành viên tham dự. Kết quả, tất cả mọi người đều đồng ý phương án di dời”, ông Nguyễn Dung cho biết.

“Đã giao cho UBND TP Huế chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các đơn vị liên quan cùng chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị làm việc cụ thể với đại diện Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc để thống nhất vị trí, phương án di dời theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế. Trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục giải quyết cho phù hợp các tình huống phát sinh”, ông Dung nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ trì buổi họp báo
Giải thích về lý do di dời ngôi mộ, ông Nguyễn Dung cho rằng: "Vua Tự Đức có 103 phi tần, chỉ có hoàng hậu được táng trong lăng, còn lại nằm rải rác trên nhiều địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không phải chỉ có vua Tự Đức mà Thừa Thiên - Huế còn có cả triều đại nhà Nguyễn với 13 vị vua, rồi các chúa Nguyễn, triều đại Tây Sơn, rồi các quan lại, đại thần các triều đại… Theo đó có tới hàng chục ngàn ngôi mộ. Vậy chúng ta phải có cách ứng xử như thế nào vừa công bằng, vừa nhân văn nhưng cũng vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội là điều lãnh đạo tỉnh rất trăn trở".
“Nếu không di dời ngôi mộ sang vị trí mới thì dễ dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh như: Người dân có mộ đã bị di dời dễ bức xúc dẫn đến khiếu kiện, tạo tiền lệ không tốt trong di dời giải tỏa các nghĩa trang xen kẽ ở các khu vực dân cư đô thị, ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và các địa phương. Việc xây ngôi mộ ở giữa (vị trí cũ) sẽ khó cho việc sử dụng bãi đỗ xe cũng như cảnh quan mất vẻ tôn nghiêm của mộ khi dự án đi hoạt động…”, ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, phát biểu.
"Riêng bãi đỗ xe tham quan Lăng Tự Đức - Lăng Đồng Khánh được quy hoạch làm nơi đỗ xe cho cả khu vực các lăng và cả khu vực cảnh quan đồi Vọng Cảnh bên ngoài. Quy hoạch này cũng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thống nhất. Trong khu vực này không quy hoạch bãi đỗ xe nào khác. Vì vậy, để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tính công bằng với những ngôi mộ khác đã giải tỏa, tỉnh kêu gọi sự đồng thuận của con cháu Nguyễn Phúc tộc để di dời ngôi mộ đến vị trí thích hợp", ông Dung nói.

Liên quan đến đơn thư khiếu nại của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc không đồng thuận phương án di dời ngôi mộ nói trên, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, UBND tỉnh tiếp tục xem xét và giải thích theo hướng tạo sự đồng thuận giữa gia đình (tức dòng tộc Nguyễn Phúc tộc) và xã hội.

Vì sao phải di dời ngôi mộ vợ vua Tự Đức? ảnh 2 Biên bản cuộc họp của con cháu Nguyễn Phúc tộc liên quan lăng mộ vợ vua Tự Đức

Đồng thuận với phương án di dời ngôi mộ, ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, trong quá khứ, địa phương có một số di chỉ khảo cổ học có giá trị tầm quốc gia và khu vực, chứng minh cả một nền văn minh của đất nước thời kim khí nhưng phải khai quật để nghiên cứu và lựa chọn hiện vật có giá trị để bảo tồn và hoàn trả mặt bằng phục vụ tuyến giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (như di chỉ Cồn Ràng, di chỉ Chân Mây…); nhiều ngôi mộ có giá trị về kiến trúc, lịch sử và văn hóa tại Phú Bài, Hương Sơ, Thủy An, Thủy Biều, Phường Đúc, Thủy Xuân… cũng phải di dời để phục vụ việc tái định cư và chỉnh trang đô thị.

“Hiện tại, tấm bia mộ và dấu tích ngôi mộ nêu trên không thuộc khu vực nghĩa trang UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quy hoạch; không thuộc các di tích đã được cấp xếp hạng và không nằm trong danh mục kiểm kê bảo vệ; không có giá trị mỹ thuật, kiến trúc tiêu biểu; không phải là nhân vật lịch sử… Đồng thời, trong một thời gian dài ngôi mộ này bị lãng quên, xuống cấp, bị trộm đào bới tìm cổ vật, không được con cháu hương khói; nhiều thông tin phản ánh chưa chính xác di hài nằm dưới mộ.

Đặc biệt, đối chiếu các quy định hiện hành về di sản văn hóa, căn cứ hiện trạng ngôi mộ, đồng thời qua xem xét tổng thể và các giá trị văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật và công trạng của người quá cố, cũng như mối tương quan với các mồ mả xung quanh của người dân nên Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất phương án di dời như ý kiến của chỉ đạo của UBND tỉnh đối với UBND TP Huế và các ngành, trong đó có sự phối hợp với đơn vị liên quan di dời mộ ra khỏi khu vực quy hoạch của dự án để nhà thầu tiếp tục triển khai dự án”, ông Bình phân tích.

Vẫn theo ông Bình, qua nội dung bia đá (bia đá khắc dòng chữ "Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận Chi Mộ” tìm thấy tại khu vực triển khai dự án bãi đỗ xe - Báo SGGP đã thông tin), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống di tích đã xếp hạng và danh mục 153 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định bảo vệ, bia đá và ngôi mộ nêu trên không nằm trong danh sách các di tích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng, kiểm kê bảo vệ theo quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa. Ngoài ra, các hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị được giao quản lý các di tích triều Nguyễn lập tại khu vực này từ 2013-2015 - cũng không đưa vào các công trình cần xác định để làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích theo quy định.

Cũng tại buổi họp báo, ông Võ Lê Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, sau khi UBND TP Huế và các sở, ban ngành liên quan tổ chức cuộc họp thông báo ý kiến của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc thống nhất phương án di dời lăng mộ bà Tài nhân họ Lê Thị thụy Thục Thuận vào chiều 12-7, phía Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc không đồng tình.

“UBND TP Huế đã nêu ra mốc thời gian chờ Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc và con cháu bàn bạc để thống nhất phương án di dời ngôi mộ, chậm nhất là ngày 18-7. UBND TP Huế cũng đã mời đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đến trụ sở UBND TP Huế làm việc về vấn đề này vào sáng 18-7 nhưng không có ai đến”, ông Nhật nói.

Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt quy hoạch khảo cổ

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP liên quan đến ý kiến tỉnh Thừa Thiên - Huế nên rà soát và xây dựng bản đồ quy hoạch khảo cổ ngay để bảo tồn di sản, ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Quy hoạch khảo cổ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được UBND tỉnh này phê duyệt. Sở Văn hóa và Thể thao đang tiến hành các nhiệm vụ theo quy hoạch, trong đó có lập bản đồ các điểm khảo cổ.

Tin cùng chuyên mục