Vì một kỳ thi an toàn, trung thực

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.980 điểm thi, 38.050 phòng thi. Trong đó, thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT là 233.977, chiếm 26,38%; thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển sinh ĐH-CĐ là 30.202, chiếm 3,40%; thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh là 622.925, chiếm 70,22%.
Giám thị hướng dẫn quy chế thi THPT Quốc gia 2019 cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giám thị hướng dẫn quy chế thi THPT Quốc gia 2019 cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
 
Từ 14 giờ ngày 24-6, 887.104 thí sinh trên cả nước bắt đầu làm thủ tục dự thi tại 1.980 điểm thi THPT quốc gia 2019. Tại đây, thí sinh được phát thẻ dự thi và cán bộ coi thi đối chiếu, kiểm tra chính xác ảnh trong thẻ dự thi với giấy chứng minh nhân dân nhằm tránh nhầm lẫn. Thí sinh được phổ biến quy chế thi, lịch thi, thời gian thi, dụng cụ được mang vào phòng thi. Hôm nay 25-6, kỳ thi THPT quốc gia chính thức bắt đầu với môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. 

Thoải mái làm thủ tục

Chiều 24-6, cùng với thí sinh cả nước, hơn 71.000 thí sinh trên địa bàn TPHCM đã có mặt tại 111 điểm thi để làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2019. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay TP huy động hơn 10.000 cán bộ làm công tác coi thi, giám sát và phục vụ tại các điểm thi. 

Ghi nhận tại điểm thi Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp), từ 13 giờ, dù có cơn mưa rất lớn nhưng đã rất đông thí sinh có mặt, sớm hơn 1 giờ so với thời gian quy định được công bố. Điểm thi Trường THPT Gò Vấp năm nay được bố trí 26 phòng thi, trong đó 25 phòng bố trí đủ 24 thí sinh và 1 phòng có 15 thí sinh tham dự. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng điểm thi Trường THPT Gò Vấp, cho biết, trong ngày đầu tiên làm thủ tục chưa ghi nhận trường hợp thí sinh khuyết tật. Do là ngày làm thủ tục dự thi nên tâm trạng thí sinh khá thoải mái. Điểm thi đã bố trí 2 cán bộ trực ngay cổng trường để kịp thời hướng dẫn phòng cho các thí sinh đến muộn.

Tương tự, tại các điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1), Marie Curie (quận 3), THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), thí sinh đều có mặt tại điểm thi từ khá sớm. Nhìn chung, ngày đầu tiên làm thủ tục đã diễn ra an toàn, đúng quy chế. Riêng tại điểm thi Trường THPT Marie Curie, có một thí sinh vừa trải qua ca mổ ruột thừa vào đêm hôm trước, đến chiều qua (24-6) thí sinh này vẫn ở bệnh viện. Theo quy chế, với xếp loại học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi, học sinh này có thể làm đơn để được xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT mà không cần dự thi. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của thí sinh và gia đình, điểm thi vẫn tạo điều kiện, bố trí thêm lực lượng y tế hỗ trợ học sinh này dự thi môn Ngữ văn bình thường vào sáng nay (25-6). 

Vì một kỳ thi an toàn, trung thực ảnh 1 Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.  Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tại Hà Nội, ngày 24-6, thời tiết mát mẻ thuận lợi cho thí sinh đến các điểm thi làm thủ tục. Các điểm thi đều có những nhóm sinh viên, thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi của Thành đoàn Hà Nội và các trường đại học hỗ trợ thí sinh. Do vết thương ở chân sau tai nạn ô tô khá nặng, lại ngay trước kỳ thi nên thí sinh Nguyễn Thị Thúy Hà, dự thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), phải di chuyển đến điểm thi bằng xe taxi, sau đó ngồi xe lăn vào phòng thi. Do phòng thi trên tầng 3, thí sinh này đã được các sinh viên tình nguyện cõng lên phòng thi trong ngày làm thủ tục. 

Khu vực miền Trung dù thời tiết nắng nóng nhưng thí sinh các tỉnh vẫn đến làm thủ tục dự thi khá đầy đủ. Tại Bình Định và Phú Yên có trên 28.100 thí sinh dự thi đến làm thủ tục tại 66 điểm thi. Tại TP Đà Nẵng, 190 thí sinh không đến làm thủ tục đăng ký dự thi/tổng số 10.242 thí sinh đủ điều kiện dự thi. Chiều 24-6, ĐH Huế cho biết, hơn 800 cán bộ, viên chức của các trường thành viên được điều động thực hiện nhiệm vụ phụ trách điểm thi, coi thi, thanh tra, giám sát, thư ký, phối hợp với các đơn vị chủ trì tại các cụm thi Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum đều có mặt tại các điểm thi làm nhiệm vụ.

Cùng với thí sinh cả nước, thí sinh thuộc khu vực các tỉnh ĐBSCL cũng háo hức đến các điểm thi làm thủ tục tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay toàn TP Cần Thơ có 10.495 thí sinh đăng ký tham gia, tuy nhiên, số lượng thí sinh đến làm thủ tục đạt 98,7% (vắng 136 thí sinh). Tại Vĩnh Long, kỳ thi năm nay có 10.311 thí sinh, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long phối hợp Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trường Cao đẳng Cần Thơ và các lực lượng liên quan tổ chức coi thi, thanh tra, giám sát… Là tỉnh có nhiều thí sinh đồng bào Khmer tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có phương án kịp thời hỗ trợ các em. Năm nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 8.761 thí sinh đăng ký dự thi. 

Bảo đảm an ninh, an toàn, đúng quy chế

Sáng 24-6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kiểm tra và làm việc tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cho đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia cơ bản đã hoàn tất, nhưng còn thời gian để rà soát công việc, khớp nối giữa các tổ chức, cá nhân liên quan. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý 5 vấn đề: Trước hết là khâu bảo quản đề thi, bài thi.

Đây là nội dung quan trọng, cán bộ được phân công liên quan đến công tác in sao đề thi, bảo vệ đề thi, bài thi cần nêu cao trách nhiệm. “Dù đã có camera giám sát, nhưng nếu cán bộ làm công tác này không có ý thức trách nhiệm cao để giám sát thì rủi ro vẫn có thể xảy ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. Thứ hai là công tác coi thi, đây là khâu dễ xảy ra sai phạm, nên các cán bộ coi thi cần nắm rất vững quy chế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm việc theo đúng quy trình, chắc chắn, đúng người đúng việc theo đúng quy định của quy chế; cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất, như chữ ký giám thị… Thứ ba, cần quan tâm đến việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận. Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra cần hoàn thiện tất cả các quy trình, các bước thực hiện, bởi chỉ cần sơ hở một công đoạn nhỏ trong một quy trình cũng sẽ dẫn đến rủi ro. Thứ năm là bảo đảm công tác phục vụ kỳ thi, từ điện, nước, nơi ăn chốn ở của giám thị; vấn đề giao thông…

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019, dẫn đầu đoàn công tác thị sát công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại cụm thi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý ban chỉ đạo thi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải niêm phong và có biên bản niêm phong tất cả các camera tại tất cả các phòng thi để phòng ngừa camera bị hack trong quá trình thí sinh đang làm bài thi để đưa đề thi lọt ra ngoài.

Còn cụm thi tỉnh Đồng Nai có gần 27.000 thí sinh dự thi, tỉnh đã chi hơn 1 tỷ đồng để gắn camera ở các phòng lưu trữ đề thi, bài thi và trung tâm in sao đề thi, nơi chấm thi. Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng lưu ý, các phòng lưu trữ đề thi, bài thi các cán bộ phải trực 24/24 giờ, mọi sinh hoạt đều tại chỗ nhưng phòng vệ sinh, nhà tắm lại tách biệt hoặc khá xa. Do đó, các cụm thi phải đặc biệt lưu ý đến tình huống này. 

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đến kiểm tra, động viên cán bộ coi thi tại cụm thi TP Hải Phòng; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra công tác chuẩn bị tại các điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng.

Theo tổng hợp của Bộ GD-ĐT về ngày làm thủ tục dự thi THPT quốc gia năm 2019, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 887.104. Tổng số thí sinh đã đến làm thủ tục dự thi trên toàn quốc là 879.742, đạt tỷ lệ 99,17%. Theo quy chế, các thí sinh còn được tiếp tục đến làm thủ tục và dự thi vào trước 7 giờ sáng ngày 25-6.

  Chuyển đề thi bằng máy bay, tàu cao tốc ra đảo

Đối với thí sinh thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 cũng được quan tâm đặc biệt. Tại Bình Thuận, hơn 217 thí sinh cư trú tại đảo Phú Quý đã vượt khoảng 56 hải lý vào đất liền dự thi THPT quốc gia an toàn. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thí sinh của huyện Phú Quý đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, từ hỗ trợ phương tiện đi lại, bố trí chỗ nghỉ, đến ăn uống. 

Không vào đất liền thi như các em ở đảo Phú Quý, 76 thí sinh thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, đã đến phòng thi làm thủ tục tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu trong ngày 24-6.

Chiều 24-6, ông Phạm Văn Liên, Trưởng điểm thi ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết, lực lượng công an “áp tải” đề thi bằng tàu cao tốc ra đến đảo Lý Sơn an toàn, bảo mật tuyệt đối, không gặp bất cứ sự cố gì. 35 cán bộ coi thi từ đất liền được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi cử ra làm nhiệm vụ coi thi tại huyện đảo Lý Sơn đã phổ biến quy chế thi và làm các thủ tục dự thi cho cho 236 thí sinh trên đảo.

Tin cùng chuyên mục