Vị Chủ tịch nước bình dị, tình cảm và đầy trách nhiệm

Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất quan tâm đến những vấn đề của TPHCM, nhất là liên quan đến an sinh xã hội, trật tự an ninh xã hội và cuộc sống của bà con cử tri, gia đình chính sách. 

 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thể hiện rất rõ trọng trách của một đại biểu Quốc hội trước các kiến nghị của cử tri bằng việc ghi nhận, cam kết thúc đẩy giải quyết và quan tâm kết quả giải quyết các kiến nghị đó.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi  người dân Củ Chi     Ảnh: VIỆT DŨNG
 Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một thành viên của đơn vị bầu cử số 1 (quận 1, 3 và 4), thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM. Tôi cảm nhận rõ rằng, Chủ tịch nước nắm rất sát những vấn đề của TPHCM, xoay quanh các vấn đề về chính sách an sinh xã hội, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn TPHCM và quan tâm đến cuộc sống, chất lượng sống của bà con cử tri, của gia đình chính sách. Mặc dù giữ trọng trách quốc gia nhưng các kỳ họp, các buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều muốn nghe thêm về tình hình phát triển của TPHCM, về những vấn đề mà cử tri quan tâm giữa 2 kỳ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội.


Qua các buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước quan tâm lắng nghe, ghi nhận và chia sẻ với những trăn trở, sự quan tâm, lo lắng cũng như các góp ý, xây dựng, hiến kế xây dựng, phát triển đất nước và TPHCM của cử tri. Ngoài việc trao đổi tại các buổi tiếp xúc cử tri, khi tiếp nhận các đơn, thư của cử tri TPHCM, thông qua bộ phận giúp việc cho Chủ tịch nước, các đơn thư này được chuyển đến Đoàn ĐBQH TPHCM để có ý kiến với lãnh đạo TPHCM và các sở - ngành sớm quan tâm, xem xét.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn thể hiện sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống của cử tri. Qua các buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ, Chủ tịch nước đều muốn lắng nghe đầy đủ về các chính sách, đặc biệt đối với vùng sâu như Cần Giờ. Đây là huyện phát triển của TPHCM về hướng biển, lao động của cử tri phần nhiều là nông nghiệp và ngư nghiệp. Chủ tịch nước muốn tìm hiểu chính sách phát triển ngư nghiệp, sự hỗ trợ của ngân sách về phương tiện, thiết bị cho ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ, tạo nguồn kinh tế biển tốt hơn, đồng thời gắn liền với quốc phòng, an ninh quốc gia.

Chủ tịch nước cũng thể hiện rõ trọng trách của một ĐBQH trước các kiến nghị của cử tri, bằng sự ghi nhận, cam kết thúc đẩy giải quyết và quan tâm kết quả, không để cử tri mong đợi, trông chờ. Tôi còn nhớ, trong một lần tiếp xúc, cử tri đề đạt với Chủ tịch nước quan tâm đến chính sách đối với người nghỉ hưu, gia đình chính sách, có công được tốt hơn. Bởi vì lúc này đã qua hơn 40 năm thống nhất đất nước nhưng một số gia đình chính sách vẫn gặp khó khăn. Chủ tịch nước đã ghi nhận những ý kiến này và cam kết chuyển tải đến các ngành, nhất là Bộ LĐTB-XH, sớm xem xét, từ đó đề xuất hoặc kiến nghị Quốc hội có chính sách quan tâm hơn nữa đến gia đình chính sách, có công. Sau kỳ họp thứ 3, thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức một số đoàn công tác làm việc với một số tỉnh - thành, khảo sát, xem xét và có những đề xuất cụ thể với Chính phủ để quan tâm hơn đối với người có công.

Chủ tịch nước cũng quan tâm đến chính sách nhà ở đối với người có thu nhập thấp, công nhân lao động trên địa bàn TPHCM. Trong 1 buổi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về chính sách nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, Chủ tịch nước có cho gọi tôi. Chủ tịch nước nhấn mạnh, TPHCM là nơi có lượng lao động rất lớn nên cần có chính sách quan tâm công nhân để xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phù hợp với xu thế phát triển. Chính sách này không chỉ giải quyết việc làm mà còn phải quan tâm đến điều kiện sống, đời sống sinh hoạt tinh thần cho công nhân.

Từ sự sâu sát với thực tiễn, quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, trật tự an ninh xã hội, chất lượng sống của cử tri cũng như thể hiện trọng trách của ĐBQH trước cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu ý kiến. Qua đó, các bộ - ngành trung ương đã làm việc với TPHCM (và các địa phương khác) về nhiều vấn đề cử tri đặt ra, từ đó các chương trình thí điểm được hình thành, áp dụng hoặc được triển khai thành chương trình quốc gia.

Trong phong cách làm việc, Chủ tịch nước cũng thể hiện sự sâu sát, nắm vấn đề xuyên suốt, thể hiện sự gần dân, sát dân. Tại các kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi các thành viên trong đoàn và gợi ý xem có những vấn đề gì đặt ra với Chủ tịch nước hay không. Tôi là đại biểu mới nhưng Chủ tịch nước vẫn ân cần phân giải, gợi ý để có thể làm tốt hơn vai trò, trọng trách của một đại biểu nhân dân. Chủ tịch nước còn lưu ý các đại biểu phải bám sát, nắm bắt những vấn đề nảy sinh từ đòi hỏi của thực tiễn và mong muốn những vấn đề thực tiễn đặt ra là chất liệu cần thiết để từng đại biểu có suy nghĩ, góp phần vào việc xây dựng luật cho khả thi trong thực tế.

Tôi cho rằng đây là việc làm bình dị, tình cảm nhưng đầy trách nhiệm của Chủ tịch nước

Bàng hoàng, tiếc thương

Khi nghe tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, nhiều cử tri đơn vị số 1 gồm các quận 1, 3 và 4 (TPHCM) bàng hoàng, tỏ lòng tiếc thương vị Chủ tịch nước thân thiện, gần dân, sâu sát và biết lắng nghe dân mà họ được gặp ông trong các lần tiếp xúc cử tri.
Là người tham dự buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào ngày 20-6, tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 4, ông Nguyễn Văn Hòa (phường 14, quận 4) không ngờ cuộc tiếp xúc cử tri đó là lần cuối cùng của Chủ tịch nước. Ông Hòa kể, lúc đó, cả nước và TPHCM nóng lên chuyện dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng. Nhiều ý kiến cử tri tỏ thái độ, quan điểm khác nhau, đồng tình có, bức xúc, phản ứng gay gắt cũng có. Nhưng với phong thái nhẹ nhàng, gần gũi và trách nhiệm, trong hơn 1 giờ, Chủ tịch nước đã lắng nghe, ghi chép cụ thể từng ý kiến và trả lời làm sáng tỏ từng vấn đề một, làm ai nấy đều thấy thỏa mãn, hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Cuối buổi tiếp xúc, ông đi xuống các hàng ghế phía dưới ân cần thăm hỏi, gợi ý để cử tri nói ra những suy nghĩ của mình về những vấn đề vừa được giải đáp, và cả những quan tâm, bức xúc của cử tri TPHCM hiện nay là gì. 
Trong khi đó, ông Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, cùng Tổ ĐBQH số 1 của TPHCM với Chủ tịch nước cho biết, Chủ tịch nước cũng đã đề nghị không chỉ tiếp xúc cử tri ở địa bàn tổ ĐBQH ứng cử mà làm sao có thể được tiếp xúc và đi thăm hỏi bà con ở nhiều quận - huyện khác của TPHCM. Chủ tịch nước rất quan tâm đến thiếu nhi. Trước đề nghị của Chủ tịch nước muốn tặng một công trình cho thiếu nhi TPHCM, ông cùng tham gia kết nối và cuối cùng món quà mà Chủ tịch nước tặng là thư viện khang trang cho một trường tiểu học ở quận 1 với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Khi công trình hoàn thành, được đề nghị đề tên Chủ tịch nước tặng nhưng Chủ tịch nước từ chối và dặn, nếu cần, phải ghi là Tổ ĐBQH số 1 TPHCM tặng. Chủ tịch nước cũng đồng ý tặng tiếp mỗi năm 1 thư viện cho học sinh. Cách đây vài ngày, Thư ký của Chủ tịch nước còn gọi nhắc ông về việc này. 
HOÀI NAM
LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI GỬI LỜI CHIA BUỒN
Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới đã liên tục gửi điện chia buồn sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Ngày 22-9, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan đã ra công văn đề nghị các cơ quan, ban, ngành chính phủ trên toàn quốc treo cờ rủ trong 3 ngày, từ thứ hai 24-9 đến thứ tư 26-9, để tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn tới Chính phủ, người dân Việt Nam và gia đình của Chủ tịch nước.
Tại Seoul, trong ngày 22-9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gửi điện chia buồn, bày tỏ sự thương tiếc trước việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục nỗ lực để quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục phát triển, ngày càng sâu sắc và hướng tới tương lai. Bộ Ngoại giao Brazil đã ra thông cáo báo chí, gửi lời chia buồn sâu sắc và tình đoàn kết tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng như gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Hội đồng Nhà nước Cuba thông báo quyết định để quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Trong thông cáo đưa ra trên truyền hình nhà nước, Cuba để tang chính thức tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ 6 giờ ngày 22-9 giờ địa phương (17 giờ ngày 22-9 giờ Việt Nam) tới 24 giờ ngày 23-9 (tức 11 giờ ngày 23-9 giờ Việt Nam), và nghi thức quốc tang sẽ diễn ra trong cả ngày 24-9. Theo thông cáo, trong thời gian quốc tang, các tòa nhà công và các trụ sở quân sự trên cả nước Cuba sẽ treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng. Cùng ngày, Đài Vatican đưa tin, Giáo hoàng Francis đã gửi điện chia buồn với Việt Nam.
Trước đó, chiều 21-9 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) đã dành 1 phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chiều tối cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachit đã gửi điện chia buồn, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Chủ tịch Trần Đại Quang. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng ngày đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng ngày, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chia buồn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc cho biết, đồng chí Trần Đại Quang - một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, đã có đóng góp lớn cho sự phát triển, đổi mới và mở cửa của Việt Nam. Là một người bạn, người đồng chí thân thiết của nhân dân Trung Quốc, đồng chí Trần Đại Quang đã cống hiến và thúc đẩy tình bằng hữu truyền thống Trung - Việt và tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước…
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã gửi điện chia buồn tới nhân dân Việt Nam, gia đình và bạn bè của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tổng thống Putin ca ngợi đóng góp của cá nhân Chủ tịch nước Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Nga, cũng như hợp tác song phương cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chính phủ các nước Venezuela, Argentina, Ai Cập, Mexico cùng chính phủ các nước Bolivia, Paraguay, Nicaragua, El Salvador… đồng loạt gửi thông điệp chia buồn với chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Ngày 21-9, Văn phòng Thư ký báo chí Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay mặt nhân dân Mỹ gửi lời chia buồn đến gia quyến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nhân dân Việt Nam.
Các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã đồng loạt đăng tải thông tin và chia buồn với Việt Nam về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Nhiều hãng thông tấn và các tờ báo quốc tế đều đăng ảnh và tiểu sử của Chủ tịch nước, cũng như nêu bật những dấu ấn và đóng góp của ông cho đất nước. Báo giới chính thức của Cuba gồm Granma, Prensa Latina, Juventud Rebelde, hãng Thông tấn Nhà nước Cuba (ACN), trang mạng Cubadebate... đã đặc biệt nhấn mạnh tới tình cảm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Cuba. Nhật báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, nhấn mạnh sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nỗi mất mát đau thương của nhân dân và Chính phủ Cuba vì những gì nhà lãnh đạo Việt Nam đã đóng góp cho tình bạn và sự hợp tác giữa 2 nước. 
KHÁNH HƯNG - PHƯƠNG NAM (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục