Vết bầm nhỏ và vết thương lớn

Tuần qua, sự việc căng thẳng giữa một phụ huynh và trường mầm non nơi con anh đang theo học ở quận Bình Tân đang nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng xã hội. 

Theo đó, với lý do giáo viên phụ trách lớp có hành vi bạo hành, tạo nên nhiều vết bầm tím ở hông và cẳng tay con, người cha tức tối, yêu cầu giáo viên và lãnh đạo trường phải có hành động xin lỗi, đồng thời bồi thường tổn hại về tinh thần và thể chất của con.

Đáng nói, số tiền bồi thường ban đầu được 2 bên thương lượng chỉ dừng ở mức 10 triệu đồng, nhưng sau nhiều lần hòa giải bất thành, con số được nâng lên, hạ xuống và sau cùng đã chạm mốc… 100 triệu đồng.

Căng thẳng được đẩy lên đỉnh điểm khi 2 bên cãi vã to tiếng do bất đồng quan điểm dù đã có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành tại địa phương như Phòng GD-ĐT, UBND quận.

Đến nay, cháu bé bị bạo hành đã chuyển trường, giáo viên có hành vi bạo hành cũng nộp đơn nghỉ việc, nhưng mâu thuẫn giữa gia đình và nhà trường vẫn chưa được giải quyết. Hình ảnh nhà trường, cô giáo lẫn phụ huynh đều bị bôi xấu bằng nhiều tính từ tiêu cực như vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng và hợp tác. Vì đâu mối quan hệ từng tốt đẹp nay rơi vào khủng hoảng? Một vài vết bầm nhỏ trên người con trẻ trở thành cái cớ cho những “vết bầm” lớn hơn, đó là sự mất niềm tin, thiếu sự cảm thông, thậm chí tàn nhẫn và hả hê với tội lỗi của phía còn lại.

Trước đó, đã từng xuất hiện nhiều vụ việc đau lòng như phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi tại một trường tiểu học ở Long An, hay hình ảnh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đến đổ máu xảy ra giữa giáo viên và phụ huynh ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước, gây hoang mang dư luận trong thời gian dài. Có thể thấy những trường hợp trên không còn cá biệt.

Từ chỗ phẫn nộ, bực tức, dư luận chuyển qua hoang mang, thở dài; người trong ngành thì bất lực. Thậm chí, trong vai trò hiệu trưởng, không phải trường hợp nào, người hiệu trưởng cũng dũng cảm nhìn thẳng vấn đề, dám công khai xin lỗi phụ huynh cũng như định hướng hành vi ứng xử của giáo viên cho phù hợp.

Người viết từng chứng kiến 2 trường hợp cùng liên quan đến bạo hành giữa giáo viên và học sinh, một bên người hiệu trưởng nhanh chóng tổ chức họp báo, công bố quyết định đình chỉ công tác đối với giáo viên và công khai xin lỗi phụ huynh. Ở trường hợp còn lại, hiệu trưởng dẫu nhận thức được hành vi của giáo viên là sai nhưng dùng dằng, “chờ thêm hướng dẫn từ cấp trên”, tạo nên bất bình ngày càng lớn trong lòng phụ huynh.

Qua đó cho thấy, nếu người lãnh đạo, đặc biệt là hiệu trưởng, chủ cơ sở giáo dục không có kỹ năng xử lý khủng hoảng sẽ đẩy mâu thuẫn giữa cơ sở và người học lên cao, gián tiếp tạo ra những lời nói, hành động mất kiểm soát và làm xấu đi hình ảnh trường học trong lòng học sinh.

Khi nào truyền thống tôn sư trọng đạo và quyền lợi của học sinh có sự hài hòa thì mới có thể hạn chế được những mâu thuẫn, tiêu cực. Chỉ khi đó, trường học mới thực hiện thành công mục tiêu “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Tin cùng chuyên mục