Vẹn nghĩa, trọn tình đồng đội

Gần 20 năm qua, không quản tuổi già và bệnh tật do di chứng chiến tranh, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (78 tuổi, ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn miệt mài đi khắp các nghĩa trang, di chỉ kháng chiến, rừng núi Đông Trường Sơn để tìm kiếm tung tích, hài cốt các đồng đội. 

Ông còn thông qua Facebook, email, Zalo… kết bạn với nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam để tham khảo, nghiên cứu tư liệu, hồi ký chiến trường phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt chiến sĩ.

Truy tìm những “mảnh ghép”

Dưới nắng gay gắt đầu mùa khô năm 2022, cựu binh Đặng Hà Thụy trầm tư kể lại cho chúng tôi nghe những hồi ức, bối cảnh các trận đánh chống đế quốc Mỹ xâm lược tại chiến trường Bình Định năm xưa. “Mình là người may mắn sống sót qua cuộc chiến, nhưng lại phải sống dày vò, dằn vặt bởi hàng ngàn đồng đội đã hy sinh, thân thể vẫn còn nằm lại nơi núi rừng, nương bãi hoang vu, lạnh lẽo”, ông Thụy tâm sự.

Cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (bên phải) trong chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn  (huyện Hoài Ân, Bình Định)

Năm 2004, trở về quê nghỉ hưu ở tuổi 60, ông Thụy bắt đầu công việc đi tìm kiếm những mảnh ghép để định danh, trả lại tên cho đồng đội. Ngày tháng đằng đẵng, đôi chân không biết mệt mỏi, ông đi đến khắp các nghĩa trang địa phương, nghĩa trang liệt sĩ để chụp ảnh, ghi lại những thông tin bia mộ khuyết danh, thiếu thông tin, rồi cần mẫn nghiên cứu các tài liệu, liên hệ các đơn vị để bổ sung thông tin, xác minh danh tính đầy đủ cho các liệt sĩ.

Sau đó, ông đăng tải những kết quả tìm được lên Facebook, Zalo để tìm thân nhân, gia đình các liệt sĩ; rồi hỗ trợ, đưa gia đình liệt sĩ lặn lội vượt núi rừng đi tìm hài cốt người thân. “Từng là người lính du kích, sau đó là chỉ huy quân giới ở chiến trường Bình Định nên tôi rất am hiểu về các ký hiệu, mật danh, đơn vị, căn cứ, chiến trường xưa. Nó giúp ích rất nhiều cho tôi trong công tác tìm kiếm, định danh các liệt sĩ, mộ liệt sĩ vô danh”, ông Thụy kể. 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong công việc thầm lặng của ông Thụy là đợt tìm manh mối ngôi mộ vô danh “Chú Bộ Đội” ở xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). “Đó là hài cốt một liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ác liệt 7 ngày đêm (tháng 5-1967) ở Hoài Châu, bị bỏ sót trong đợt quy tập Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 10.

Do thiếu sót hồ sơ, căn cứ nên dân làng buộc phải đưa hài cốt này ra bãi cát làng để lập ngôi mộ xi măng ghi lên bia “Chú Bộ Đội” để cả làng chăm lo hương khói. Về sau, chúng tôi đã tìm đủ tư liệu, căn cứ để đưa ngôi mộ này vào nằm cùng đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 10. Qua lần đó, tôi càng quý trọng đồng bào vì những điều họ thể hiện rất đơn thuần, chất phác nhưng thấm đượm nghĩa tình”, ông Thụy kể thêm.

Mùa khô năm 2017, ông Thụy cùng tổ công tác ngược lên vùng núi Thuận Ninh (huyện Tây Sơn, Bình Định) để tìm kiếm hài cốt 12 liệt sĩ hy sinh trong trận ném bom B52 của Mỹ ngày 3-11-1969. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến mùa mưa, nhưng rơi vào bế tắc, ai nấy đều nản chí.

Tuy nhiên sau đó ông Thụy vẫn đeo bám, nhiều lần lặn lội ngược lên vùng núi Thuận Ninh, lùng sục vào các bản làng dân tộc để mong tìm nhân chứng sống. Trong lần lân la với người Ba Na làng M6 (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn), ông Thụy biết được một nhân chứng của trận ném bom B52 còn sống, đó là già Đinh Ba Ky (82 tuổi, người Ba Na, từng là du kích giúp căn cứ Thuận Ninh). Dù tuổi già sức yếu, nhưng thấy ông Thụy nài nỉ nhiệt huyết quá nên già Ky đồng ý chống gậy lội rừng cùng ông Thụy tìm đồng đội. Nhờ trí nhớ già Ky, ông Thụy đã xác định được vị trí hố bom B52, nên đã tìm thấy 12 hài cốt liệt sĩ (di vật, hài cốt gói chung 1 ba lô) nơi rừng hoang để đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Tam Quan (huyện Hoài Nhơn).

Người bên kia giới tuyến

Ông Thụy nhớ lại trận đánh đêm 26-12-1966, quân dân ta tấn công vào căn cứ hỏa lực mạnh của Mỹ ở đồi Xuân Sơn (huyện Hoài Ân, Bình Định). Đêm đó, quân ta mở đợt tập kích quy mô lớn, đánh úp phá hủy trận địa pháo, kế hoạch tìm diệt vào vùng giải phóng mùa khô 1967 của địch. Trận đánh tổn thất rất lớn về sinh mạng cả đôi bên. Trong hồi ức “Đêm kinh hoàng”, cựu binh Spencer Mattesos (người may mắn sống sót trong trận Xuân Sơn) tường thuật lại: “Đêm đó, Việt Cộng với những thân hình nhỏ bé, dẻo dai và khả năng tàng hình kỳ lạ đã mở cuộc tấn công khổng lồ. Việt Cộng muốn phá hủy tất cả trận địa hỏa lực của chúng tôi và họ có khởi đầu rất tốt…”.

Đêm kinh hoàng đó đã ám ảnh ông Mattesos suốt giai đoạn dài hậu chiến. Ông luôn đi tìm sự thật tàn khốc của chiến tranh để trả lời câu hỏi: “Vì sao lãng phí sinh mạng con người trong cuộc chiến phi nghĩa như thế?”. Năm 2014, ông cùng 2 cựu binh (trong đó có 1 phóng viên chiến trường) trở lại Xuân Sơn và gặp được ông Hồ Văn Lộc, người du kích tham gia trận tập kích Xuân Sơn. Đôi bên đã tâm sự, trao đổi và chụp ảnh lưu niệm cùng nhau.

Đến năm 2018, thông qua kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng (ở TPHCM), ông Thụy đã kết nối với cựu binh Mỹ Mattesos. Thông qua Facebook, email…, ông Thụy trao đổi qua lại với ông Mattesos và nhờ tìm giúp thông tin liệt sĩ thông qua các trận đánh của Mỹ tại miền Trung Việt Nam. Ngay lập tức, ông Mattesos nhận lời. Người cựu binh Mỹ này đã tìm kiếm, tập hợp tư liệu, ý kiến các cựu binh Mỹ về trận đánh Xuân Sơn. Sau đó, ông đã gửi email cho ông Thụy tập tài liệu dày 14 trang giấy A5, trong đó là những ý kiến, hồi ức, tư liệu, bản đồ, tọa độ của trận Xuân Sơn. Theo tài liệu, sau trận tập kích, lính Mỹ đã dùng xe đào 2 hố sâu 1,5m để chôn khoảng 80 lính Việt Cộng ngay tại đồi Xuân Sơn…

Cuối năm 2021, ông Thụy kết bạn Facebook thêm với ông Bob March (90 tuổi, cựu đại úy sống sót trong trận Xuân Sơn). Đại úy Bob đã dành 1 tuần lễ làm việc thật nghiêm túc, tập hợp 6 ý kiến cựu binh đang sống rải rác ở các nước Mỹ Latinh từng tham chiến ở Xuân Sơn để có được 6 trang tài liệu, 2 bản vẽ sơ đồ, ảnh tài liệu trận đánh Xuân Sơn và gửi email cho ông Thụy. Nhờ vậy, đầu năm 2022, Tỉnh ủy Bình Định có đủ căn cứ tin cậy mở cuộc tìm kiếm ở Xuân Sơn. Sau 35 ngày tìm kiếm, đơn vị tìm kiếm phát hiện hố chôn thứ nhất với nhiều di vật, 60 hài cốt liệt sĩ để đưa về truy điệu, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân)… Vừa qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định tiếp tục mở rộng đợt tìm kiếm để tìm mộ chôn tập thể thứ hai tại đồi Xuân Sơn theo thông tin ông Thụy cung cấp. 

Mới đây, thông qua đại úy Bob March, ông Thụy kết bạn thêm với một cựu binh Mỹ tên David, từng tham chiến ở chiến trường Bình Định. Ông David đã gửi cho ông Thụy thêm thông tin, hình ảnh, tọa độ về trận đánh, hố chôn tập thể khác tại cứ điểm hỏa lực thuộc xã Hoài Châu (thị xã Hoài Nhơn) với khoảng 30 liệt sĩ hy sinh. Ngoài ra, ông Thụy kể, đại úy Bob March hứa sẽ duy trì liên lạc với ông để kết nối các tổ chức, cựu binh ở Mỹ tiếp tục cùng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, nếu không có những thông tin các cựu binh Mỹ và ông Đặng Hà Thụy thì nhiều trận chiến bi tráng của quân và dân ta như ở Xuân Sơn sẽ ít nhiều bị quên lãng, hài cốt liệt sĩ vẫn nằm lạnh lẽo nơi rừng núi hoang vu. Nghĩa cử ông Thụy và các cựu binh Mỹ càng có ý nghĩa lớn lao hơn khi những người ở hai giới tuyến ngày xưa đã gác lại quá khứ để cùng hàn gắn vết thương chiến tranh.

Tin cùng chuyên mục