Vào “thủ phủ” bánh kẹo nhái La Phù

Từ đại lộ Thăng Long, chỉ đi chừng 1km là đặt chân tới La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tới đây như lạc giữa đại công xưởng, tổng kho của bánh mứt kẹo, bia rượu, nước uống giải khát… Từ lâu nay, xã La Phù được mệnh danh là “thủ phủ” bánh kẹo nhái, cung cấp cho thị trường cả nước. 
Chỉ một đoạn đường ngắn La Phù ở xã La Phù nhưng san sát cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo
Chỉ một đoạn đường ngắn La Phù ở xã La Phù nhưng san sát cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo

“Kinh đô” bánh kẹo mùa tết

Dọc con đường từ tỉnh lộ 72 tới gần cổng trụ sở UBND xã La Phù là hàng trăm cửa hàng, cơ sở kinh doanh hoạt động nhộn nhịp. Đây đều là điểm tập kết, luân chuyển bánh kẹo, mứt tết, nước tăng lực, bia rượu, các nhu yếu phẩm... nên có rất nhiều xe tải, container đậu chờ lên hàng. Từ các ngõ ngách xương cá, xe ba bánh ùn ùn vào ra, liên tục ách tắc. 

Bà cụ bán nước ở đầu làng cho biết, La Phù là nơi cung ứng bánh kẹo cho cả nước, đưa vào tận miền Trung, miền Nam. Mùa hè ở đây tập trung làm các loại thạch, nước giải khát. Mùa thu thì làm bánh trung thu. Năm nay dịch Covid-19, một số nhà còn sản xuất cả khẩu trang. Còn mùa tết này thì các gia đình tập trung làm bánh kẹo, mứt tết, các loại hạt bí, hạt hướng dương… Theo bà, dân La Phù hiện nay sản xuất, buôn bán đủ loại bánh kẹo thập cẩm, nhưng vụ tết này, mặt hàng bán chạy là chocolate, bim bim, bánh ngọt và hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương… Các loại hạt này được nhập từ Trung Quốc về Bắc Giang qua ngả Lạng Sơn. Sau đó, tiếp tục đưa về La Phù để các cơ sở rang, sơ chế, đóng bao gói rồi đổ buôn cho các đại lý, vận chuyển đi khắp cả nước tiêu thụ.

Lách qua dãy xe tải, xe ba bánh, vào một con ngõ xương cá, chúng tôi bắt chuyện một cặp vợ chồng chuyên sơ chế đồ khô. Người chồng đang đóng các bao hướng dương đã rang. Bên trong, 2 - 3 người nấu bơ trên chảo, tưới từng gáo lên đống bắp rang trải ở tấm bạt đặt trên sàn nhà, nhìn không vệ sinh! Ái ngại khi thấy khách lạ, người vợ bảo: “Chúng em chỉ mới mở xưởng bắp rang bơ này, chưa làm, chưa bán được nhiều, nên chỉ lấy công làm lãi”. 

Cách đó một ngõ là cơ sở chuyên làm chocolate, bánh kẹo giá siêu rẻ để phục vụ thị trường tết. Bên ngoài cửa, các bao bột, túi đường đang xúc dở. Trong nhà, 4 - 5 nữ công nhân ngồi bệt trên sàn đóng bánh kẹo, bốc chocolate vào bao để bán theo cân. Dọc hành lang, 2 nam công nhân thay nhau dập các miếng chocolate hình đồng xu. Cô kế toán nói với chúng tôi, muốn mua bao nhiêu cũng có. Đây là chocolate giá rẻ nên bán rất chạy, gồm 2 loại. Loại bán theo cân giá 63.000 đồng/kg (mỗi bao là 10kg). Loại đóng hộp có giá 14.700 đồng/hộp (12 hộp/thùng). “Loại này để cả năm cũng không chảy nước, còn loại rẻ hơn thì bị chảy nước”, cô này khuyên chúng tôi nên mua về kinh doanh. 

Trăn trở làng nghề

Hiện có hơn 500 hộ sản xuất và kinh doanh bánh mứt kẹo theo hình thức hộ cá thể, chưa tính các trường hợp đã “lên đời” thành công ty, doanh nghiệp (theo thống kê của UBND xã La Phù). Trong đó, có nhiều hộ vừa trực tiếp sản xuất vừa kinh doanh, làm tổng đầu mối, thu mua bánh kẹo từ khắp các nguồn để phân phối cho các trung tâm bán buôn, cửa hàng tạp hóa bán lẻ trên cả nước. Nguồn hàng nhập từ Trung Quốc rất nhiều. Hầu như cơ sở nào cũng khẳng định có đủ chứng nhận đăng ký sản xuất kinh doanh, chứng nhận kiểm tra chất lượng, nhưng bánh mứt kẹo nhái giả nhãn mác, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở La Phù vẫn khiến dư luận lo ngại. 

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các kho hàng trong làng, bên cạnh nguồn hàng nhập từ các nhà máy lớn uy tín, có không ít lô, kiện bánh mứt kẹo, bia rượu, nước tăng lực, giải khát… có dấu hiệu nhái nhãn mác, không nguồn gốc, địa chỉ cụ thể. Trên bao bì, các dòng chữ thường bị in nhòe hoặc na ná các thương hiệu khác, ví dụ như bánh ngọt của các hãng Custas, Chocopie thì sẽ in thành “Custard”, “Chocopia”… để bán với giá “không nơi nào rẻ hơn”.

Mỗi hộp bánh ở La Phù chỉ có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng/hộp, trong khi giá bán của các hãng có thương hiệu là 50.000 - 60.000 đồng/hộp. Do đánh vào thị trường giá rẻ nên vào dịp tết, các đại lý, cửa hàng, tiệm tạp hóa từ khắp mọi nơi đổ về La Phù để “đánh hàng”. Chủ các cơ sở sản xuất, kho hàng ở đây thường rất ngại tiếp xúc, né tránh các câu hỏi, hoặc “mời” đi mua chỗ khác nếu không phải là khách quen. 

Theo Chủ tịch UBND xã La Phù Nguyễn Hữu Khoa, hiện nay cơ cấu kinh tế của xã chiếm tới 55% là sản xuất - kinh doanh dịch vụ (bánh kẹo, thực phẩm); chỉ còn 1,6% làm nông nghiệp, còn lại là công nghiệp và xây dựng. Nhờ sản xuất bánh kẹo và dệt kim mà thu nhập bình quân đầu người ở La Phù năm 2020 đạt 72 triệu đồng/người/năm (tăng 12 triệu đồng so với năm trước).

Đáng mừng là bên cạnh những cơ sở, hộ cá thể vẫn còn làm ăn manh mún, nhỏ lẻ thì đến nay, ở La Phù đã có khá nhiều gia đình mở mang quy mô, thành lập công ty, mua sắm dây chuyền, đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất bánh kẹo theo quy mô công nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều công ty đã tạo được thương hiệu, đưa bánh kẹo vào các siêu thị lớn, thậm chí xuất khẩu. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở đây chia sẻ, nút thắt khiến bà con không thể bung ra làm ăn lớn là do không có vốn lớn, thiếu mặt bằng lớn, hạn chế về trình độ quản lý và sử dụng máy móc thiết bị. Để mua được một cỗ máy làm bánh công suất hiện đại (trị giá khoảng 1 tỷ đồng), 4 - 5 gia đình phải chung tay. Do thiếu mặt bằng nên nhiều doanh nghiệp phải di tản sang các xã lân cận để thuê mướn.

Cơ quan chức năng đã từng phát hiện nhiều vụ làm hàng nhái, giả ở Hoài Đức (Hà Nội). Mới đây, ngày 5-1, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Hoài Đức bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang, trụ sở ở Đội 4, xã Cát Quế (Hoài Đức) đang thuê công nhân dập lại date của 3 tấn bánh quy mang hiệu “Torku” ghi nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đã hết hạn sử dụng từ tháng 2-2020. Tại đây còn có nhiều loại máy móc như máy in, máy đóng gói bao bì cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục