Vận tải liên tỉnh chưa thông, doanh nghiệp gặp khó

Mặc dù đã hơn 1 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện nối lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (VTHKLT), nhưng đến nay việc đi lại vẫn chưa thông suốt, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp vận tải hiện nay rơi vào thế khó vì không có khách, các địa phương biến động do cấp độ dịch Covid-19 liên tục thay đổi, nhà xe còn phải gánh thêm chi phí xăng dầu.

Tiến thoái lưỡng nan

Sáng 13-11, Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) phải ra thông báo tạm dừng thêm tuyến TPHCM - Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) do địa phương này cấp độ dịch đã nâng lên vùng đỏ.

Trước đó, bến xe này cũng thông báo dừng tuyến TPHCM - Phan Thiết với cùng lý do. Số liệu từ phòng Kế hoạch vận tải (Bến xe Miền Đông) cho thấy, hiện mới chỉ có 15 tỉnh, thành thông tuyến với Bến xe Miền Đông nhưng hầu như không có mấy người khách.

Từ ngày được hoạt động trở lại (13-10) đến ngày 12-11, tổng số xe xuất bến là 2.490, nhưng chỉ được gần 14.000 khách (trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, tổng số xuất bến là 28.992 xe với số lượng hành khách lên đến 491.729 khách).

Tài xế Nguyễn Văn Thọ (nhà xe Liên Hưng, chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang) cho biết, dù quy định xe giường nằm được chở 100% công suất nhưng mỗi lần xuất bến chỉ lèo tèo vài hành khách, may lắm thì có gần 10 người.

Còn đại diện nhà xe Quốc Long (tuyến TPHCM - Đắk Nông) ngán ngẩm vì mỗi chuyến chỉ có vài ba khách, mà không chạy thì không được vì phải… giữ mối! “Càng chạy càng lỗ. Ế khách là chuyện bình thường do dịch, nay thêm chuyện xăng, dầu tăng giá thì không biết còn cầm cự được đến khi nào”, đại diện nhà xe Quốc Long băn khoăn.

Cũng trong tình cảnh khó khăn, tiến thoái lưỡng nan, ông Hồ Văn Hưởng, Chủ tịch HĐQT HTX Xe khách LT-DL Thống Nhất, cho biết, lượng xe xuất bến của HTX tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây mỗi lần xuất bến chỉ có 2 - 3 chuyến, mỗi chuyến cũng chỉ được vài ba khách.

Vận tải liên tỉnh chưa thông, doanh nghiệp gặp khó ảnh 1 Quầy bán vé Bến xe Miền Đông thỉnh thoảng mới có khách đến hỏi mua vé

“Đa phần những tuyến hoạt động thì địa phương đó đang là vùng cam, vùng đỏ nên dù có được phép hoạt động cũng phải dừng theo quy định phòng dịch của địa phương đó”, ông Hưởng nói. Đã vậy, trong lúc các doanh nghiệp VTHKLT đang đối mặt với nhiều khó khăn thì xăng dầu lại tăng giá (mức cao nhất từ năm 2014 đến nay) chẳng khác nào thêm “cú đấm bồi” làm khó khăn chồng chất khó khăn. 

Mong giải pháp tháo gỡ

Nhận định về tình trạng VTHKLT hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng, không còn cách nào khác là VTHKLT phải kiên trì chờ đợi, các doanh nghiệp vận tải giờ đây không có quyền tự quyết mà phụ thuộc vào việc khi nào thì các hoạt động trở lại bình thường, nhu cầu di chuyển của hành khách tăng cao.

“Dịch có chiều hướng bùng phát trở lại nên người dân dè dặt đi lại, ai có nhu cầu cần thiết lắm mới đi. Không biết đến khi nào mới thoát được vòng xoáy khó khăn này”, ông Quyền tâm sự. 

Trong lúc dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp VTHKLT đang đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách. Nhiều đơn vị phải hoạt động cầm chừng, nhiều xe đã nằm bãi vì không có khách. Không ít doanh nghiệp đã tính tới chuyện bỏ tuyến, bán xe!

Ông Nguyễn Văn Quyền nhận định thêm, giá xăng dầu tăng mạnh nhất trong vòng 7 năm qua, tác động rất lớn đến các đơn vị VTHKLT, và nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài, không có sự hỗ trợ kịp thời, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải bỏ cuộc. Theo ông Quyền, giải pháp trước mắt là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần nhanh chóng triển khai.

“Nếu còn thủ tục nào rườm rà, điều kiện nào đánh đố doanh nghiệp VTHKLT thì cần sửa đổi ngay để họ có thể thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất”, ông Quyền kiến nghị. Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, đánh giá, xăng dầu tăng giá cao nhất trong vòng 7 năm qua đã giáng đòn chí mạng vào VTHKLT, vì ở thời điểm hiện nay tăng giá cước sẽ càng không có người đi, sức dân cũng đã kiệt quệ sau gần 2 năm bị dịch bệnh hoành hành.

Để tạo điều kiện cho VTHK nói chung và VTHKLT nói riêng nhanh chóng phục hồi, các đơn vị vận tải kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tung gói cứu trợ lớn, với lãi suất thấp, điều kiện dễ vay, thủ tục đơn giản, để tiếp sức cho các doanh nghiệp, HTX có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tái phục hồi sản xuất kinh doanh.

“Bộ Y tế nhanh chóng phủ vaccine cho các tỉnh Miền Tây và khu vực Tây Nguyên, Bộ GTVT nên quy định cụ thể đi và đến đối với các tỉnh vùng dịch cấp độ 1 và 2, và các Sở GTVT chỉ cần thông báo mở lại tuyến khi có yêu cầu thay vì phải thỏa thuận bằng văn bản như hiện nay”, ông Lê Trung Tính kiến nghị.

Để khắc phục yếu tố giá xăng, dầu tăng cao, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ, miễn, giảm một số phí trong giá xăng dầu, đồng thời tung thêm nguồn Quỹ hỗ trợ bình ổn xăng dầu để góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu đang tăng cao như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục