Vận tải hành khách công cộng vẫn… đìu hiu

Đến nay, toàn TPHCM mới có 12 tuyến xe buýt được hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm dừng vì Covid-19. Tuy nhiên, tình cảnh chung là mỗi chuyến xe buýt chỉ lèo tèo vài khách.
Hơn chục chiếc xe buýt nằm bãi tại HTX Quyết Thắng
Hơn chục chiếc xe buýt nằm bãi tại HTX Quyết Thắng

Ế khách, xe nằm bãi

Tại trạm chờ xe buýt trên đường Hàm Nghi (quận 1), tầm 30-40 phút mới có chuyến dừng nhưng chỉ mở cửa rồi đóng lại mà không đón được khách nào. Trên xe cũng chỉ có 1-2 khách, có chuyến chỉ có nhân viên và tài xế. Bến xe Công viên 23-9 cũng vắng tanh, lác đác vài xe đậu chờ đến giờ xuất phát, thời gian giãn chuyến cũng dài hơn trước đây. Có mặt trên tuyến xe buýt số 27 (Sài Gòn - An Sương) một ngày cuối tháng 10, chúng tôi ngồi chung với 5 hành khách.

Theo tài xế Minh Tâm, mấy ngày qua, tuyến 27 này chưa nhiều khách, có chuyến không khách, có chuyến chỉ 1 khách. Có ngày, từ chuyến sớm nhất là 5 giờ 30 đến chiều chỉ được hơn 20 khách. Trong khi đó, số liệu từ phiếu thanh toán vé của tuyến xe buýt số 65 (Bến Thành - An Sương) những ngày qua cho thấy có chuyến không có khách nào. Còn tại huyện Cần Giờ, dù đã trở lại hoạt động từ ngày 5-10, nhưng trạm xe buýt sát phà Bình Khánh cũng lâm vào cảnh vắng khách, nhiều xe buýt xếp hàng dài nằm chờ.

Khác với những tuyến xe buýt khởi động lại, bến xe buýt của Liên hiệp HTX Vận tải Quyết Thắng (1129/18 Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình) vẫn im lìm. Bên trong bến có hơn 10 chiếc xe buýt “nằm không” vì chưa được phép hoạt động trở lại, nhiều xe hư hỏng do ảnh hưởng thời tiết hoặc bị chuột cắn phá. “Từ khi xe buýt dừng hoạt động, một vài tài xế bị kẹt lại đến nay, ăn ngủ, sinh hoạt, nấu nướng ngay trên xe buýt. Đến giờ, ai cũng mòn mỏi đợi ngày hoạt động trở lại”, tài xế Lê Anh Kiệt cho hay. Bến xe buýt Đại học Quốc gia TPHCM cũng rơi vào tình trạng tương tự, có khoảng 80 chiếc xe buýt nằm bãi, gần 50 tài xế, tiếp viên bị kẹt lại. Đa số những lao động này thuê phòng trọ bên trong bến xe, một số vì khó khăn nên trả phòng trọ xin tá túc trên xe buýt.

Cần sự tiếp sức

Vận tải hành khách công cộng tại TPHCM đã được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp xe buýt, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến các đơn vị không có nguồn thu, trong khi các tổ chức tín dụng, ngân hàng đều không đồng ý cho kéo dài thời gian trả nợ. “Ngân hàng chỉ xem xét giãn nợ, gia hạn nợ nhưng với số kỳ nợ chậm trả thì phải trả dồn vào các kỳ năm sau liền kề. Nếu vậy cũng chẳng giải quyết khó khăn được cho các đơn vị vận tải có thể vay vốn để đầu tư xe buýt”, đại diện một HTX vận tải băn khoăn. 

Theo ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX vận tải TPHCM, thời gian ngừng xe buýt kéo dài đã làm thay đổi nhu cầu, thói quen đi xe buýt của người dân, trong khi học sinh, sinh viên chưa đi học lại. Cùng với đó là tâm lý e ngại dịch bệnh nên phải mất thời gian dài nữa xe buýt mới có thể phục hồi như trước. “Cần xem xét hỗ trợ trong việc gia hạn thêm thời gian trả nợ gốc, kéo dài thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay đối với các khoản vay đầu tư xe buýt. Đối với xe buýt khi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới thì doanh thu, sản lượng đặt hàng cần được tính theo doanh thu, sản lượng thực tế cho đến hết tháng 6-2022”, ông Hải kiến nghị. 

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, cho biết, trong tháng 11-2021, hiệp hội sẽ có những kiến nghị cụ thể đến cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho xe buýt. “Phục hồi vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cần tầm nhìn dài dạn, ít nhất trong 3-5 năm tới. Do đó, cần nhìn nhận lại các chính sách như chỉ đấu thầu những tuyến tốt nhất, có hành khách đi lại nhiều nhất, có khả năng hòa vốn hoặc sinh lời… Còn thời điểm này, để nuôi dưỡng doanh nghiệp và các hợp tác xã xe buýt, cần đẩy mạnh các gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp có điều kiện tái hoạt động, miễn giảm sâu các mức phí”, ông Lê Trung Tính nói.

Thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, đơn vị đang tính toán, sắp xếp và dự kiến mở lại hầu hết các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn sau ngày 15-11. Trong đó, từ ngày 25-10 đến 1-11, đơn vị khôi phục 16 tuyến xe buýt quan trọng của mạng lưới, kết nối với các đầu mối trung chuyển như bến xe liên tỉnh, bến xe buýt trên cơ sở mạng lưới tuyến chính. Từ ngày 8-11, dự kiến thêm 29 tuyến lăn bánh, căn cứ vào tình hình chung của thành phố về việc phục hồi kinh tế sau dịch. Giai đoạn tiếp theo từ ngày 15-11, khôi phục thêm 41 tuyến còn lại trong mạng lưới xe buýt.

Tin cùng chuyên mục