Vận tải hàng hóa thuận lợi hơn

Ngày 6-10, ghi nhận tại một số tỉnh Đông Nam bộ, tình hình lưu thông hàng hóa diễn ra suôn sẻ, mật độ lưu thông khá đông, rất ít chốt kiểm soát.

Ở các tuyến đường trọng điểm qua địa bàn tỉnh Bình Dương như quốc lộ 13, ĐT 743, lực lượng chức năng trực chốt chủ yếu làm nhiệm vụ phân làn cho xe có mã QR. Ở các chốt kiểm soát liên tỉnh như cầu Vĩnh Bình (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM), cầu Phú Long (quận 12, TPHCM) và trên các tuyến đường dân sinh trong tỉnh Bình Dương, việc kiểm tra kỹ hơn, như tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính (mỗi tuần 1 lần). Trong khi đó, tại Đồng Nai, việc vận chuyển hàng hóa với địa phương trong khu vực cũng đã thuận lợi hơn rất nhiều. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, do liên tiếp phát hiện các ca mắc Covid-19 liên quan đến tài xế xe tải và hoạt động vận chuyển hàng hóa nên địa phương yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ tài xế chở hàng ra vào tỉnh. Sở Công thương Lâm Đồng, cho biết, hàng ngày tỉnh cung ứng trên 6.000 tấn nông sản đi các địa phương, trong đó có khoảng 1.300 tấn rau, củ vận chuyển đến TPHCM.  

Tại Long An, các phương tiện vận tải hàng hóa vẫn phải đăng ký luồng xanh và có test nhanh âm tính còn thời hạn đối với tài xế và người ngồi trên phương tiện. Tại Tiền Giang, Sở GTVT tỉnh quy định đối với người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản, khi di chuyển khỏi địa bàn tỉnh sau đó quay về, cơ sở phải đảm bảo địa điểm lưu trú tạm thời, không được rời khỏi nơi lưu trú...

* Ngày 6-10, Sở GTVT TPHCM đã ban hành văn bản khẩn số 10500/TB-SGTVT về việc chấm dứt hiệu lực giấy nhận diện phương tiện có mã QR đã được Sở GTVT cấp thông qua đơn vị đầu mối trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Từ ngày 10-10, các đơn vị vận tải có nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đi, đến và lưu thông qua TPHCM, thực hiện khai báo và đăng ký nhận Giấy nhận diện mới (có mã QR) tại địa chỉ: vantai.drvn.gov.vn

Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi UBND TPHCM về dự thảo phương án tổ chức lưu thông của người lao động trong trạng thái "bình thường mới" giữa Bình Dương - TPHCM. Bình Dương thống nhất với dự thảo của TPHCM về việc đưa đón chuyên gia, người lao động đi lại làm việc liên tỉnh; người dân đi xe cá nhân giữa vùng giáp ranh của hai địa phương. Tuy nhiên, Bình Dương kiến nghị chỉ cho phép người lao động di chuyển bằng xe cá nhân liên tỉnh với địa bàn giáp ranh là TP Thủ Đức với TP Thuận An và TP Dĩ An... UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi UBND TPHCM về phương án tổ chức giao thông giữa TPHCM - Đồng Nai. Đồng Nai cơ bản đồng ý với đề nghị của TPHCM. Đối với việc tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TPHCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh), Đồng Nai đồng ý thực hiện theo phương án tổ chức vận chuyển bằng xe ô tô, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục