Vẫn rối chuyện phân luồng

Câu chuyện phân luồng học sinh sau THCS lại trở nên thời sự, vì ở một số địa phương có hiện tượng “ép” học sinh học yếu không tham gia kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10 mà chuyển qua học nghề. 

Ở đây không bàn đến cách làm phản giáo dục tuy là thiểu số ở một số địa phương, nhưng đã gây bức xúc xã hội khi các em học sinh vừa trải qua 2 năm đại dịch với nhiều thiệt thòi. Câu chuyện ở đây là “khơi luồng” học sinh vào học nghề sau THCS - tức là làm sao cho các trường nghề là địa chỉ tin cậy, hấp dẫn cho những người muốn có kỹ năng nghề nghiệp, có việc làm, thu nhập và có khả năng học suốt đời để cập nhật tri thức mới khi thị trường lao động đòi hỏi.

Cơ quan làm chính sách đã có những “sáng kiến” để hút học sinh vào học nghề như điều chỉnh thời gian đào tạo trung cấp nghề sau THCS theo các hệ 1, 2, 3 năm để người học có bằng trung cấp; thiết kế đề án mở ra hệ đào tạo 9+5, học một lúc có được 2 văn bằng; hay chính sách liên thông từ trung cấp lên cao đẳng... Những giải pháp như vậy không khác nào lấy bằng cấp “thả thính” người học. Trên thế giới không có trường nào có hệ đào tạo trung cấp (hay trung học nghề) sau THCS chỉ có thời lượng 1 - 2 năm. Làm như thế trái với quy luật sư phạm giáo dục dạy nghề, vừa tự mâu thuẫn với chính mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp ghi trong Luật giáo dục dạy nghề (chỉ có một mục tiêu nhưng có đến 3 khung thời gian đào tạo). 

Chương trình đào tạo ở trường nghề là yếu tố mang tính quyết định hấp dẫn người học để đi theo luồng giáo dục dạy nghề. Tuy nhiên, cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đều rất lúng túng trong việc thực hiện Luật Giáo dục dạy nghề và Luật Giáo dục liên quan đến quy định dạy các môn văn hóa ở trường nghề. 

Theo quy định hiện nay, học sinh trường nghề muốn học liên thông lên cao đẳng phải hoàn thành các môn văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định. Điều này là cần thiết, vì học sinh học trung cấp nghề 1 - 2 năm sau THCS chưa đủ kiến thức văn hóa để học liên thông. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn với học sinh học nghề và các trường nghề vì nội dung các môn văn hóa ở các nghề gần như nhau, mặc dù có môn học tự chọn theo nghề. Kết quả là học sinh rất dễ chán học các môn văn hóa. Thực tế này đã được kiểm chứng khi thiết kế chương trình trung cấp chuyên nghiệp gần hai mươi năm theo chương trình khung, khiến học sinh bỏ học khá nhiều ở các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. 

Có lẽ, chỉ có Việt Nam là có sự khác biệt khi thiết kế chương trình tách các môn học văn hóa ra khỏi các môn học kỹ năng nghề. Từ năm 2008, Hàn Quốc đã chuyển sang dạy các chương trình tích hợp giữa các môn văn hóa với kỹ năng nghề. Ở hầu hết các quốc gia, khi thiết kế chương trình tích hợp, chương trình sẽ rất gọn nhẹ, gắn với nghề nghiệp, tạo tâm lý tốt cho học sinh để học nghề do gắn với thực tế. Với chương trình trung học nghề (9+3) của Việt Nam, gồm 120 tín chỉ, trong đó 30 tín chỉ học các môn văn hóa, sẽ rất khó áp dụng chương trình tích hợp như cách mà Phần Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đang triển khai bởi sự rạch ròi các môn văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định, cũng như tâm lý muốn có bằng tốt nghiệp THPT ở nhiều gia đình, học sinh thay vì bằng chương trình tích hợp như nhiều quốc gia khác. 

Tất cả những vướng mắc về quy định luật pháp, cũng như tâm lý chuộng bằng cấp của người học khiến hai bộ GD-ĐT và LĐTB-XH rơi vào thế khó để thiết kế chương trình nghề. Điều này đòi hỏi hai bộ cần hợp tác chặt chẽ, kiến nghị lên Chính phủ, sớm trình Quốc hội để sửa Luật GDNN, khi đó mới khơi thông công tác phân luồng học sinh vào học nghề.

Tin cùng chuyên mục