Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche LTD tại TPHCM can thiệp phân phối sản phẩm trái quy định

Thời gian qua, một số công ty dược phẩm nước ngoài đã dùng nhiều hình thức nhằm can thiệp, chi phối, điều hành các công ty dược phẩm trong nước trong việc phân phối các sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam tạo nên sự phức tạp, mất ổn định và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh dược phẩm. Góp phần vào sự mất ổn định trên có sự tham gia của Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche LTD (Thụy Sĩ) tại TPHCM (gọi tắt là Văn phòng Roche).
Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche LTD tại TPHCM can thiệp phân phối sản phẩm trái quy định

Thời gian qua, một số công ty dược phẩm nước ngoài đã dùng nhiều hình thức nhằm can thiệp, chi phối, điều hành các công ty dược phẩm trong nước trong việc phân phối các sản phẩm của mình tại thị trường Việt Nam tạo nên sự phức tạp, mất ổn định và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh dược phẩm. Góp phần vào sự mất ổn định trên có sự tham gia của Văn phòng đại diện Hoffmann – La Roche LTD (Thụy Sĩ) tại TPHCM (gọi tắt là Văn phòng Roche).

  • “Làm giùm” việc của đối tác

Theo giấy phép thành lập do Sở Thương mại TP cấp ngày 2-5-2007, Văn phòng Roche không được tiến hành các hoạt động kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động trực tiếp sinh lợi khác tại Việt Nam.

Theo quy trình được các bên ký kết, Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex nhập khẩu các sản phẩm Roche thông qua việc ủy thác cho Công ty TNHH Diethelm Việt Nam (nay là Công ty DKSH Việt Nam) thực hiện dịch vụ Logistics gồm bảo quản và lưu trữ hàng hóa, nhận đơn hàng, giao hàng, thu tiền hàng; sau đó ủy quyền cho chi nhánh Vimedimex tại Bình Dương tiêu thụ trên thị trường…

Tuy nhiên, trên thực tế, Văn phòng Roche đã tự ý “làm giùm” việc của đối tác thông qua các hình thức: Thông báo đơn đặt hàng cho đơn vị phân phối, tự tính toán mức chiết khấu, mức thưởng cho từng khách hàng.

Minh chứng cụ thể là trong 2 năm 2008 và 2009, Văn phòng Roche chuyển 3.643 thông báo đơn đặt hàng bằng thư điện tử (e-mail) cho Công ty DKSH Việt Nam thực hiện, chiếm 53% tổng doanh số bán các sản phẩm Roche của Vimedimex Bình Dương và chiếm hơn 71% giá trị chiết khấu. Riêng mặt hàng Pegasys, Văn phòng Roche đặt hàng cho khách hàng chiếm hơn 75% doanh số Vimedimex xuất bán!

Đồng thời, trong 2 năm này, theo nhiều thông báo đặt hàng do Văn phòng Roche chuyển đến đề nghị thực hiện, Vimedimex Bình Dương đã phải chiết khấu cho một số khách hàng cao hơn quy định với tổng số tiền hơn 15,7 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra của Thanh tra TPHCM cũng cho thấy, vào cuối năm 2009, Văn phòng Roche thưởng thêm 5% - 7% trên tổng số lượng hóa đơn mua hàng từ tháng 10-2009 đến tháng 12-2009 cho khách hàng nhưng không thỏa thuận trước với đơn vị trực tiếp phân phối là Vimedimex Bình Dương.

Sản phẩm của La Roche có mặt ở các nhà thuốc tại Việt Nam. Ảnh: MAI HẢI

Sản phẩm của La Roche có mặt ở các nhà thuốc tại Việt Nam. Ảnh: MAI HẢI

  • Đặt hàng ké cho khách ảo

Sự can thiệp của Văn phòng Roche không dừng lại ở đó. Tiến hành xác minh tại các nhà thuốc mua hàng của Vimedimex Bình Dương, đoàn thanh tra phát hiện trong 2 năm 2008, 2009, Văn phòng Roche đã đặt hàng thông qua 266 hóa đơn bằng hình thức chuyển e-mail cho bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty DKSH Việt Nam, đề nghị giao hàng cho các nhà thuốc này. Thế nhưng, các nhà thuốc cho biết không đặt hàng, không mua hàng, không nhận các mặt hàng với tổng giá trị hơn 60,7 tỷ đồng ghi trên những hóa đơn này.

Tương tự, Văn phòng Roche e-mail thông báo đơn đặt hàng đề nghị Công ty DKSH Việt Nam giao hàng theo 137 hóa đơn – tổng doanh số hơn 5,7 tỷ đồng – cho một số cửa hàng, quầy hàng thuộc Công ty CP Dược phẩm quận 10. Thực tế, những cửa hàng, quầy hàng ghi trên những hóa đơn này không thuộc Công ty CP Dược phẩm quận 10; người nhận hàng cũng không phải là nhân viên của Công ty CP Dược phẩm quận 10. Từ đó dẫn đến cơ quan chức năng không xác định được đối tượng mua hàng, gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước số tiền rất lớn.

Những việc làm trên của Văn phòng Roche đã vượt quá nội dung hoạt động được cấp phép, trực tiếp chi phối việc phân phối các sản phẩm Roche trên thị trường. Trong vụ việc này, đơn vị thực hiện dịch vụ Logistics và đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm Roche cũng có phần trách nhiệm. Nếu Công ty DKSH Việt Nam ghi đầy đủ thông tin khách hàng trên hóa đơn theo quy định và nếu Vimedimex Bình Dương chủ động hơn trong kinh doanh thì những sai phạm của Văn phòng Roche không thể xảy ra trong thời gian dài.

Với những sai phạm nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo Sở Công thương nghiên cứu tham mưu trình Thường trực UBND TP về việc xử phạt các sai phạm của Văn phòng Roche tại TP với mức phạt cao nhất theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex phải chỉ đạo Vimedimex chấm dứt ngay việc bán thuốc đến các đối tượng không phải là cơ sở bán thuốc hợp pháp; tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, sai phạm để có những biện pháp khắc phục; đồng thời chấn chỉnh hoạt động Logistics đã ký với Công ty TNHH DKSH Việt Nam...

Thanh tra TPHCM cũng phát hiện chi phí tiếp khách của Văn phòng Roche trong 2 năm 2008, 2009 chủ yếu sử dụng vào việc trình dược viên của văn phòng tiếp cận các bác sĩ của bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc. Qua đó, ít nhiều ảnh hưởng đến việc khám và kê toa của các bác sĩ đối với các mặt hàng của hãng Roche.

Về phần mình, Vimedimex Bình Dương đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán khi không thông báo chính sách chiết khấu các sản phẩm của Roche cho Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng).

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục