Vấn nạn thông tin sai sự thật trên mạng xã hội

Ngày 7-11, Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) phối hợp với Tạp chí Thời trang trẻ, Trung tâm Cảnh báo Rủi ro & An ninh Thông tin ATHENA tổ chức Hội thảo “Khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức –Thực trạng, Phòng ngừa và Đề xuất”.

Trong xã hội hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin thì đời sống trên mạng xã hội đã không còn là ảo mà nó có liên hệ trực tiếp và ảnh hưởng đến đời sống thực của mỗi người.

Đặc biệt, thông tin trên mạng xã hội có phạm vi tiếp cận rộng rãi, tốc độ lan truyền nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Do đó, mạng xã hội dễ bị lợi dụng để làm công cụ xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu người khác, gièm pha, làm mất uy tín của cá nhân, doanh nghiệp đối thủ…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bị hại. Thậm chí, đôi khi đơn giản chỉ vì muốn câu “like”, muốn được nổi tiếng trên cộng đồng mạng xã hội mà rất nhiều người sẵn sàng bịa đặt các câu chuyện không có thật và đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Vấn nạn thông tin sai sự thật trên mạng xã hội ảnh 1 Luật sư Nguyễn Văn Hậu trao đổi tại hội thảo

Hậu quả là trong một số trường hợp, người bị hại rơi vào trầm cảm, xấu hổ, không dám gặp ai, bị người khác soi mói; công việc, học tập, cơ hội bị ảnh hưởng chỉ vì những tin đồn thất thiệt, thậm chí tự tử vì không chịu được áp lực từ dư luận. Trong lĩnh vực kinh tế, từ người buôn bán nhỏ lẻ đến các công ty, tập đoàn lớn đều có thể trở thành nạn nhân của những thông tin thất thiệt, bôi nhọ trên mạng xã hội. Thông thường, đây là những thông tin bịa đặt, thông tin chưa được ơ quan chức năng xác nhận hay những thông tin đã bị cắt xén, tỉa gọt có chủ đích, không còn đúng bản chất sự thật ban đầu.

Trao đổi về khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch VLCAC) khẳng định việc đăng tải thông tin sai sự thật dù là trên môi trường mạng thông tin máy tính thì vẫn có thể xem làm hành vi vi phạm pháp luật.
Chủ thể có hành vi đăng tải các thông tin thất thiệt có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại, hoặc thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Chủ thể chịu thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi bác bỏ thông tin đã đăng tải; xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Về biện pháp phòng ngừa, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng: muốn bảo vệ quyền lợi của bản thân và gia đình thì mỗi người nên hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân, hình ảnh của mình, người thân một cách công khai trên mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân vào những mục đích trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, nếu phát hiện có những tin tức, hình ảnh mang tính chất xuyên tạc, vu khống, giả mạo, làm xúc phạm đến danh dự, uy tín, hình ảnh của mình, người dân cần mạnh dạn tố cáo đến cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa án. Các doanh nghiệp khi phát hiện có sự cố thông tin xảy ra gây hại trực tiếp cho tổ chức mình thì liên hệ trực tiếp với các công ty an ninh mạng có uy tín để xử lý ngay các sự cố đó, tránh trường hợp khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào cuộc thì mọi chuyện đã rồi, và lúc này các doanh nghiệp đã chịu hậu quả nặng nề hoặc mấp mé bờ vực phá sản.

Đồng thời, các doanh nghiệp gửi ngay văn bản yêu cầu chủ sở hữu trang mạng đó phải tiến hành các biện pháp cần thiết để loại bỏ và ngăn chặn các thông tin gây ảnh hưởng xấu cho doanh nghiệp mình.

Vấn nạn thông tin sai sự thật trên mạng xã hội ảnh 2 Nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ về việc bị xúc phạm danh dự trên mạng xã hội

Chuyên gia Võ Đỗ Thắng (Giám đốc Trung tâm Cảnh báo Rủi ro & An ninh Thông tin ATHENA) nhận định các đợt “tấn công” trên mạng xã hội hiện nay đa phần là tấn công có chủ đích. Hiện nay, bất kỳ người nào cũng có thể tạo ra khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội

Về vai trò của báo chí chính thống trong xử lý khủng hoảng thông tin trên mạng xã hội, nhà báo Hoàng Đại Thanh (Tổng Biên tập Báo điện tử Một Thế giới) khẳng định: Báo chí sẽ là nơi xử lý khủng hoảng truyền thông từ mạng xã hội một cách hiệu quả nhất. Bởi vì báo chí là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ đi tìm sự thật và định hướng thông tin một cách nhanh, đúng, trúng và hay. Với vai trò, điều kiện của mình, báo chí sẽ có điều kiện tiếp cận với các thông tin một cách chính thống, chính xác và sẽ phản ánh một cách trung thực theo quy định của pháp luật, chứ không phải như mạng xã hội.

 Có mặt tại hội thảo, nghệ sĩ Xuân Hương kể về chuyện bị một người mẫu khác vô cớ xúc phạm danh dự, hăm dọa tính mạng trên mạng xã hội vào tháng 5-2017 dù không quen biết người mẫu này. Bà đã làm đơn tố cáo sự việc ra cơ quan công an, cũng như đã đến một văn phòng thừa phát lại nhờ lập vi bằng xác nhận chứng cứ sử dụng vào việc tố cáo, khởi kiện vụ việc. “Mong rằng sự việc này không bị chìm xuồng, vì danh dự của một con người là việc quan trọng nhất. Dù có dành hết cuộc đời thì tôi cũng theo đuổi đến cùng. Tôi làm việc này để bảo vệ danh dự của mình, đồng thời đây là tiếng chuông cảnh báo người dùng mạng xã hội ác ý đối với người khác”, nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ.

Tại hội thảo, Văn phòng Tư vấn xử lý khủng hoảng truyền thông cũng chính thức ra mắt tại địa chỉ 163/18 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17 quận Bình Thạnh; với sự đồng hành của VLCAC) phối hợp với Tạp chí Thời trang trẻ, Trung tâm Cảnh báo Rủi ro & An ninh Thông tin ATHENA. Văn phòng là địa chỉ tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức trước các sự cố truyền thông.

 Theo kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội “VPIS”, Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Từ số liệu trên có thể thấy nếu người sử dụng mạng không thận trọng trong việc đánh giá thông tin thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn.

Tin cùng chuyên mục