Vấn nạn khó gỡ

Theo báo cáo điều tra được Buzzfeed News và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 20-9, một lượng lớn “tiền bẩn” đã chảy qua một số hệ thống ngân hàng lớn nhất thế giới trong nhiều năm.
Một chi nhánh của Deutsche Bank tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một chi nhánh của Deutsche Bank tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 Những khoản lợi nhuận thu được từ các cuộc chiến ma túy, các khoản tham nhũng cũng như nhiều khoản tiền bất chính thu được từ mô hình Ponzi (một kiểu đầu tư lừa đảo hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao với ít rủi ro), đều được phép lưu thông trong các hệ thống tài chính toàn cầu.

Cuộc điều tra được tiến hành bởi 108 tổ chức báo chí quốc tế có trụ sở tại 88 nước, dựa trên hàng ngàn báo cáo về hoạt động đáng ngờ được các ngân hàng trên khắp thế giới nộp cho cơ quan thi hành luật tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ. Các tài liệu bị Buzzfeed News và ICIJ phanh phui có liên quan tới các giao dịch trị giá 2.000 tỷ USD được luân chuyển trong khoảng thời gian từ năm 1999-2017. Cuộc điều tra đặc biệt nhắm vào 5 ngân hàng lớn gồm JPMorgan Chase, HSBC, Standard Chartered, Deutsche Bank và New York Mellon. 5 ngân hàng này bị cho rằng vẫn tiếp tục luân chuyển tài sản của những kẻ bị cáo buộc phạm tội, thậm chí sau khi những kẻ này bị truy tố hay bị kết án vì những vi phạm tài chính.

Nằm trong số các phát hiện chính của BuzzFeed là Standard Chartered, hoạt động chủ yếu tại châu Á, Trung Đông và châu Phi, đã giúp chuyển tiền trên danh nghĩa của một công ty có trụ sở ở Dubai được cho là có mối quan hệ với nhóm Taliban. Vào cuối năm 2013, các quan chức tại JPMorgan Chase nộp ít nhất 8 báo cáo về hoạt động đáng ngờ có liên quan tới Paul Manafort, Chủ tịch phụ trách chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong năm 2016. JPMorgan cũng chuyển hơn 1 tỷ USD đến một kẻ được cho là chủ mưu của vụ lừa đảo khổng lồ liên quan tới quỹ quản lý tài sản quốc gia 1MDB của Malaysia.

Thậm chí, nhiều ngân hàng còn sử dụng hệ thống ghi nhận hoạt động đáng tình nghi như một vỏ bọc pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động bất hợp pháp tiềm ẩn và các báo cáo này không giúp ích gì nhiều cho các quan chức liên bang trong quá trình điều tra. Trên thực tế, không có gì bất thường khi các ngân hàng cảnh báo cho cơ quan điều hành về giao dịch bị tình nghi và sau đó vẫn thực hiện các giao dịch này. Trong giai đoạn 2011-2013, JPMorgan chuyển tiền tới các ngân hàng tại Thụy Sĩ, Lebanon và Nigeria trên danh nghĩa của kẻ rửa tiền, đồng thời cũng báo cáo các giao dịch đáng ngờ này cho cơ quan chức trách Anh và Mỹ và sau đó JPMorgan vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Còn nhớ, cách đây 4 năm, cũng chính ICIJ phanh phui vụ bê bối Hồ sơ Panama. Khi đó hơn 365 ngân hàng lớn trên toàn thế giới bị sờ gáy, với số tiền bẩn hàng ngàn tỷ USD. Kể từ đó, nhiều quốc gia thực hiện cam kết việc minh bạch thông tin tài chính. Đã có một số tín hiệu cho thấy sự tiến bộ, tuy nhiên, tốc độ cải thiện là quá chậm so với tính cấp bách của vấn đề. Linda Lacewell, Giám đốc Sở Dịch vụ Tài chính New York, chia sẻ trên Twitter: “Hàng ngàn tỷ USD tiền bẩn vẫn tiếp tục tràn qua hệ thống tài chính. Các báo cáo về các hoạt động tài chính đáng ngờ này nên là khởi đầu cho cuộc điều tra và phân tích chứ không phải điểm kết thúc. Chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn”.

Tin cùng chuyên mục