Vẫn là chuyện cởi mở

MV mới của nữ ca sĩ C.P. tiếp tục khiến khán giả thất vọng và không ít tranh cãi khi nội dung sáo rỗng, giọng hát yếu và phát âm sai ca từ tiếng Nhật… Nhiều ý kiến chỉ trích thẳng thắn, ngôn từ trong ca khúc mới này quá thô tục.

Một lần nữa, vấn đề tình dục trong các sản phẩm giải trí khiến người xem ngao ngán. Nhưng câu hỏi đặt ra, vì sao những sản phẩm này vẫn nhan nhản? Liệu chúng ta chưa đủ cởi mở để đón nhận, hay người thực hành sáng tạo chưa đủ tinh tế để làm thăng hoa sản phẩm giải trí?

Không có gì sai trái khi cởi mở về chủ đề tình dục trong sản phẩm âm nhạc, hội họa, hay điện ảnh… Nhưng vấn đề là cởi mở đến đâu và người sáng tạo có đủ tâm và tầm để nghệ thuật hóa những điều bình thường, bằng không chỉ là hiệu ứng ngược với mong muốn.

Ranh giới giữa nghệ thuật, hay dung tục, phản cảm trong nghệ thuật vốn không quá mong manh, khó phân định như nhiều người lý giải. Bởi muốn khen hay chê một sản phẩm âm nhạc, phân tích cần dựa trên các thành tố tạo nên sản phẩm đó như: ca từ, giai điệu, hình ảnh, nội dung video… Và một ca khúc với những lời lẽ như: “Ăn tươi nuốt sống”, “phải ngon thì anh mới thèm”… hẳn là nghiêng về phía phản cảm nhiều hơn là nghệ thuật. Và trong trường hợp này cũng rất khó mà nói lằn ranh nghệ thuật và dung tục quá mong manh, khi ca từ rõ ràng phản cảm như vậy.

Sản phẩm giải trí còn tùy thuộc vào gu của khán giả mà mức độ tiếp nhận sẽ khác nhau. Tuy nhiên, không vì thế mà người làm ra sản phẩm “vô can” ở đây. Bởi ít nhiều video ca nhạc mang đến sự chú ý của công chúng, nguồn thu khi phát hành trên các nền tảng trực tuyến cho nữ ca sĩ… Một điều đáng nói nữa, bài hát hoàn toàn không giới hạn độ tuổi xem và nghe, sẽ ra sao nếu vô tình con trẻ tiếp cận với những sản phẩm âm nhạc dành cho người lớn kiểu này quá sớm?

Nghệ sĩ có mong muốn làm mới và cởi mở hơn về tính dục trong sản phẩm giải trí là điều chính đáng. Tuy nhiên, xưa nay chủ đề tính dục trong nghệ thuật, hay giải trí vốn gây tranh cãi. Và trong thời buổi của mạng xã hội, càng tranh cãi lại càng được biết đến nhiều hơn… Vì thế mà không loại trừ khả năng, người thực hành sáng tạo chưa đủ tầm, nhưng mượn cớ để được biết đến nhiều hơn.

Dưới góc độ là một sản phẩm âm nhạc tồn tại trong môi trường truyền thông đại chúng, rất khó để xem nó tồn tại như một sản phẩm giải trí đơn thuần, thích thì xem và không thích thì thôi, không ảnh hưởng đến ai. Điều này chỉ đúng khi đó là sản phẩm bạn tự làm ra và tự thưởng thức, khi đã tung ra thị trường, ít nhiều phải có lợi cho người làm ra sản phẩm và có tác động đến một bộ phận khán giả.

Và công chúng cũng không cần phải tẩy chay hay lập hội nhóm anti (ghét), mỗi người trẻ cần chọn lọc trong tiếp cận những sản phẩm tinh thần. Có lối sống mạnh mẽ giữa các sản phẩm sáng tạo ra mắt mới mỗi ngày, vẫn xem nghe và đủ khả năng phê phán, khi cần thiết bài trừ những sản phẩm chưa hay.

Tin cùng chuyên mục