Văn kiện Đại hội Đảng XIII sẽ là sản phẩm trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân

Ngày 5-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Theo kế hoạch, Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức vào quý 1-2021. Để chuẩn bị đại hội, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Để giúp việc Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện.

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập đã báo cáo những công việc đã triển khai của Tổ Biên tập; dự kiến kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Văn kiện và Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Các đại biểu đã thảo luận, cơ bản nhất trí nội dung công việc, chương trình kế hoạch công tác, quy chế, cách thức làm việc của Tiểu ban Văn kiện, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, Tổ Biên tập, việc phân công trách nhiệm công việc đối với các thành viên…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Tổ Biên tập đã khẩn trương, tích cực triển khai những công việc cần thiết; đồng thời gợi mở một số vấn đề có tính phương pháp luận để tiếp tục triển khai các công việc theo chương trình, kế hoạch.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thống nhất với ý kiến của các đại biểu về định hướng tư tưởng chỉ đạo xây dựng các văn kiện trình đại hội, đặc biệt là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, để thấy rõ, khẳng định những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, từ đó có căn cứ thực tiễn, luận cứ khoa học để nhìn lại, đánh giá chặng đường 5 năm vừa qua, xác định phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tiếp theo và chặng đường sắp tới. Đại hội XIII của Đảng sẽ là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước, của dân tộc, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, việc chuẩn bị văn kiện trình đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, bài bản, chất lượng. Trong đó, báo cáo chính trị trình đại hội là văn kiện trung tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm sự thành công của đại hội.

“Xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng, lý luận không có thực tiễn là lý luận suông. Nhiệm vụ tổng kết là làm rõ những kết quả mới, những nền tảng đã được tạo dựng, những yêu cầu đặt ra giúp nhận diện rõ tầm nhìn, định hướng và các giải pháp lớn cho giai đoạn phát triển mới, chú ý làm rõ những chủ trương chính sách nào đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp và cái gì cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, văn kiện đại hội, trong đó có báo cáo chính trị tại Đại hội XIII phải là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể; có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Dân chủ nhưng phải thống nhất cao, dân chủ có nguyên tắc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, cùng tìm ra chân lý, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó, làm sao để báo cáo đạt tầm mức quan điểm, đường lối, chủ trương lớn, thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tin cùng chuyên mục