Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia

“Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia cùng Đảng thực hiện để tạo mục tiêu phát triển trong những bước tiếp theo”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Hội nghị vào ngày 30-10
Hội nghị vào ngày 30-10
Ngày 30-10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài... về các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước.
 Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia ảnh 1 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn
Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dự thảo văn kiện tiếp tục nhấn mạnh về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về xây dựng xã hội chủ nghĩa bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc. Dự thảo văn kiện khẳng định: dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, thay mặt Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu, trực tiếp là vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII. Các ý kiến đều có những điểm chung và điểm khác nhau, làm phong phú thêm nội dung các đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Đảng.

Về quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, từ ngày 7-1, Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Quá trình chuẩn bị dự thảo văn kiện là lâu dài, khoảng 2 năm, từ 7-1-2019 đã có phiên họp đầu tiên để định ra những nội dung lớn, kết cấu quan trọng của các dự thảo báo cáo, qua đó xác định Báo cáo Chính trị là trung tâm.

Quá trình tiếp thu, điều chỉnh sẽ lấy Báo cáo Chính trị là trung tâm, hoàn thiện theo hướng để tất cả các báo cáo khác đồng bộ với Báo cáo Chính trị. Cùng với việc tổ chức đánh giá thêm tình hình thực tiễn về một số chủ trương, quan điểm lớn của Đảng để đảm bảo sự chính xác về nội dung khi đưa vào trong các dự thảo văn kiện, Tiểu ban văn kiện đã cùng các địa phương tổ chức khảo sát tại nhiều nơi nhằm đánh giá, làm rõ thêm một số vấn đề lớn về mặt chủ trương, đường lối của Đảng. “Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia cùng Đảng thực hiện để tạo mục tiêu phát triển trong những bước tiếp theo”, Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ đánh giá 5 năm vừa qua (2016 - 2020) hay 5 năm tới (2021 - 2025) mà còn nhìn lại quá trình 35 năm đổi mới đất nước, nhìn lại việc thực hiện 30 năm Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 - 2020). Chặng đường tiếp theo xác định xây dựng phương hướng cho 3 mốc mục tiêu: 2025, 2030, 2045 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030, thể hiện tầm tư duy xa hơn trong quá trình chuẩn bị các dự thảo văn kiện.

 Văn kiện của Đảng nhưng toàn dân sẽ tham gia ảnh 2 Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai kết luận tại hội nghị 

Tại hội nghị ngày 30-10, bên cạnh việc góp ý về chủ đề nên bổ sung thêm nội dung về khát vọng dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên động lực mới cho nhiệm kỳ tới, các ý kiến tập trung vào góp ý một số nhóm vấn đề chính. Bao gồm: dự báo những diễn biến nhanh chóng của tình hình sắp tới, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia; làm rõ một số quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế; vấn đề công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình để kiểm soát quyền lực; quan tâm hơn tới công tác bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung; đề xuất thêm cơ chế chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xác định văn hóa thực sự là nền tảng, động lực của xã hội, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển sắp tới và góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam. 

Về vấn đề quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, một số ý kiến cho rằng, tôn giáo được xem là yếu tố góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là nhu cầu của đông đảo nhân dân; quan tâm hoàn thiện thể chế về tôn giáo để tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, tạo sự thống nhất về mặt quan điểm.

Liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có ý kiến cũng đề nghị dự thảo các báo cáo cần làm rõ các trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn thực hiện các mục tiêu tiếp theo về kinh tế số; làm rõ vai trò của khoa học xã hội và các tổ chức quần chúng; phát huy quyền làm chủ và sức mạnh đại đoàn kết; hoàn thiện thể chế, Hiến pháp về quyền con người, quyền của nhân dân và vai trò giám sát của nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị...

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chuyển cho Tiểu ban văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.

Tin cùng chuyên mục